Chính sách thuế cần phù hợp với tình hình thực tế
VOV.VN - Mới đây, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa được luân chuyển qua các sàn thương mại điện tử có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng: chống thất thu ngân sách từ nguồn hàng hoá có trị giá nhỏ, chính sách thuế cần phù hợp với tình hình thực tế.
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) bổ sung quy định không thu thuế giá trị gia tăng đối với một số loại hàng hoá nhập khẩu. Điều 5 dự thảo nêu rõ, các đối tượng không chịu thuế, trong đó có quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển, hàng biên mậu trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đều băn khoăn với đề xuất miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá nhập khẩu có giá trị nhỏ.
Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Hàng ngày có trung bình 4 - 5 triệu đơn hàng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử, với giá trị mỗi đơn hàng được chia nhỏ từ 100.000 - 300.000 đồng. Với số lượng này, hàng ngày trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, tương đương một tháng khoảng 1,3 - 1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam, nhưng không thu được thuế.
Phát biểu tại phiên thảo luận mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần, vì vậy, cần cân nhắc bỏ quy định miễn thuế với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ.
"Tôi cũng rất đồng với nhiều ý kiến thảo luận ở Quốc hội là phải siết chặt và có quy chế để đánh thuế các mặt hàng thương mại điện tử và các hàng gửi qua đường bưu điện đến người tiêu dùng để mang tính công bằng cũng như là tránh thất thu thu thuế."- ông Hà Sỹ Đồng cho biết.
Đại diện Tổng cục thuế, Bộ Tài chính cho biết: hiện nay, theo Quyết định 78 của Chính phủ, hàng hóa từ nước ngoài chuyển về qua phương thức chuyển phát nhanh có giá trị từ một triệu đồng trở xuống không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu. Việc Việt Nam miễn thuế với những hàng nhập khẩu nhỏ, lẻ cũng là thực hiện theo Công ước quốc tế Kyoto về đơn giản hoá thủ tục hải quan. Tuy nhiên hiện một số quốc gia trên thế giới đã bỏ quy định này.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính nhận định: "Trong thời gian vừa rồi, nhiều nước có sự thay đổi. Chúng ta có thay đổi hay không thì Chính phủ và Quốc hội sẽ cân nhắc để sửa đổi các quy định này. Khi có sửa đổi, ngành thuế và hải quan sẽ triển khai các biện pháp để thực hiện quản lý chặt đối với các hàng nhỏ lẻ".
Theo quan điểm của một số chuyên gia, sự triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử đang tạo thuận lợi cho hàng hóa nước ngoài, đặc biệt là những hàng nhập khẩu giá trị nhỏ tràn vào Việt Nam, tạo sức ép lớn cho hàng Việt và các kênh bán lẻ truyền thống. Để đảm bảo tính bình đẳng trong kinh doanh thì việc đánh thuế với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ, đặc biệt qua kênh thương mại điện tử, cần được tính đến để thực hiện. Bởi trước đây khi xây dựng các luật thuế, các cơ quan chức năng cũng đã tính đến chuyện hành thu với thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác. Tuy nhiên, do việc quản lý thu phải mất nhiều chi phí, trong khi kết quả thu “không đáng quan tâm" do có giá trị nhỏ, nên đã áp dụng không thu thuế với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng.
Theo Phó Giáo sư- Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính phân tích: với thực tiễn hiện nay, việc thống kê, tính toán để thu thuế với đơn hàng dưới 1 triệu đồng được nhập khẩu chắc chắn sẽ không còn "quá phức tạp" khi đã có nhiều nền tảng công nghệ được áp dụng. Sự phát triển của kinh tế số đang tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh buôn bán qua các sàn thương mại điện tử.
Đây là lĩnh vực cần được khai thác và phát huy hiệu quả, song việc tính toán các loại thuế, quản lý hoạt động với các sàn thương mại, người kinh doanh lại chưa đầy đủ và theo kịp thực tiễn. Phó Giáo sư- Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính, Bộ Tài nên ra ý kiến: để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, bình đẳng với người kinh doanh truyền thống, đã đến lúc cần số hóa hoạt động quản lý, theo dõi, thu thuế với hoạt động kinh doanh buôn bán trên sàn thương mại điện tử, mua bán online trên mạng xã hội như Facebook hoặc Zalo:
"Rõ ràng việc này chúng ta nên sửa đổi, áp dụng thủ tục hải quan điện tử vẫn có thể thực hiện hài hòa hóa, đơn giản hóa thủ tục hải quan để đẩy nhanh thời gian thông quan mà vẫn thu được thuế trong bối cảnh hiện nay chứ không giống như trước đây là thủ tục hải quan giấy mà mình thu được ít tiền thuế, thủ tục rườm rà" - Phó Giáo sư- Tiến sĩ Lê Xuân Trường cho biết.
Theo quy định hiện hành, việc miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) gắn với miễn thuế nhập khẩu được điều chỉnh bởi quyết định số 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ, cho phép hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế nhập khẩu, đồng thời với việc miễn thuế VAT ở khâu nhập khẩu. Việc duy trì chính sách miễn thuế trong khi hoạt động thương mại, kinh doanh đã thay đổi theo xu thế mới, sẽ khiến cho hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam thông qua các kênh thương mại điện tử, lợi dụng chính sách miễn thuế để chia nhỏ đơn hàng, từ đó "đè bẹp" hàng trong nước và tạo sức ép lớn hơn cho các kênh bán lẻ nội địa. Thực tế này đặt ra yêu cầu: Triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường ứng dụng dữ liệu điện tử quản lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ, chống thất thu ngân sách.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng: "Trước hết chúng ta phải thay đổi, có nghĩa là bỏ Quyết định 78 của CP, không còn hiệu lực nữa. Như vậy, tất cả hàng hóa, dù giá trị nhỏ mà thực hiện qua tất cả các kênh kể cả chuyển phát nhanh hay qua các sàn thương mại điện tử đều phải kê khai nộp thuế bình thường. Điểm thứ hai, các sàn thương mại điện tử, ngoài chịu trách nhiệm như Nghị định 91 đã quy định, phải công bố mã số thuế, mặt hàng, các giấy tờ liên quan của những cá nhân, tổ chức kinh doanh trên sàn cho cơ quan thuế theo định kỳ thì phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ mà mình cho bán sản phẩm đó. Như hàng hóa nhập từ đâu, hàng hóa là hàng chính ngạch hay hàng nhập lậu, chất lượng hàng hóa nhãn hàng như thế nào… lúc đó mới đảm bảo tránh tình trạng kê khai gian lận để trốn thuế.
Rõ ràng, khi giao dịch trên sàn phải có uy tín với người tiêu dùng, phải chịu trách nhiệm với Nhà nước, bên cạnh cung cấp thông tin, cung cấp địa chỉ, mã số thuế để cơ quan quản lý thuế thu. Còn trường hợp cá nhân nhãn hàng đó không thể nộp thuế trực tiếp được, sàn thương mại điện tử có thể thỏa thuận để nộp thuế thay cho những người nộp thuế có các hàng nhỏ lẻ. Chúng tôi biết hiện nay, một số sàn thương mại điện tử đã nộp thuế thay như Tiktok đã thực hiện nộp thuế thay cho các cá nhân".