Chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến 12% lạm phát năm 2011

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, hơn 6% lạm phát năm vừa qua là do các yếu tố khác, trong đó có chính sách điều hành giá cả trong nước

Đúng 9h sáng 12/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bắt đầu cuộc giao lưu trực tuyến với nhân dân trên cổng thông tin điện tử Chính phủ bắt đầu. Đây là thành viên Chính phủ thứ 4 tham gia đối thoại trực tuyến với nhân dân.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, lạm phát năm 2011 hơn 18,75% là mức khá cao trong khu vực và thế giới. Con số này, phần do chính sách tiền tệ, tài khóa chiếm khoảng gần 12%. Còn 6% là do các yếu tố khác trong đó có giá cả quốc tế biến động…

“Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và do điều hành giá của chung ta chưa tốt. Trong CPI Việt Nam thì lương thực, thực phẩm chiếm phần lớn. Suốt 5 năm lại đây CPI Việt Nam bám rất sát với biến động của lương thực, thực phẩm. Trong khi đó, Việt Nam là nước sản xuất lương thực, thực phẩm hàng đầu thê giới. Do vậy giữa việc điều hành sản xuất và giá của nhóm mặt hàng này còn nhiều điểm yếu. Nếu khắc phục được điểm này lạm phát năm nay có thể dừng ở 12%. Lạm phát có nhiều nguyên nhân nhưng không thể loại bỏ trong đó có chính sách tiền tệ. Đó là yếu kém mà chúng tôi phải thừa nhận” – Thống đốc nói.

Thống đốc cho rằng, thành công của kinh tế Việt Nam năm 2011 do quyết tâm của toàn thể hệ thống chính trị, sự chia sẻ của toàn xã hội, trong đó có sự tham gia tích cực của hệ thống ngân hàng. Năm 2011, ngành ngân hàng kiềm chế tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp (13,1%), trong khi đó vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế 6%. “Mức tăng trưởng này là thích hợp và được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao” – ông Bình khẳng định.

Thành công của năm 2011 là chúng ta giữ được ổn định tỷ giá, ngoại hối. Từ tháng 3 đến 31/12/2011 biến động không quá 1%. Kết quả đó không phải riêng trong điều hành tỷ giá mà cả chính sách tiền tệ, tạo sự hấp dẫn cho VND.

Về câu hỏi giảm lãi suất cho vay, Thống đốc cho rằng: Nhu cầu giảm lãi suất trong hệ thống NH là thiết thực và chính đáng của người sản xuất và đó là mong mỏi của Chính phủ và NH. Nhưng có hạ được hay không còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện. Ví dụ, lạm phát năm qua đã đươc kiềm chế. Từ tháng 8 trở lại đây, CPI giảm so với các tháng trước nhưng vẫn tăng với tốc độ chậm trong những tháng cuối năm. Đó là cố gắng lớn nhưng so với các nước trong khu vực và thế giới thì đây là mức lạm phát quá cao trên thế giới. Với mức lạm phát cao mà hạ ngay lãi suất thì chưa phù hợp. Lạm phát cuối năm giảm xuống cũng là kỳ vọng, tiền đề để hạ lãi suất trong năm tiếp theo.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng thẳng thắn thừa nhận: “Thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng hết sức nhức nhối. 10 năm qua tốc độ tăng trưởng trung bình rất lớn (nóng) trong khi cơ cấu sử dụng nguồn vốn NH hết sức sai lệch. Vay ngắn hạn để cho trung và dài hạn. Theo qui định của NHNN là 30%, nhưng có tổ chức tín dụng dùng đến 60-70% và thậm chí 100% nguồn vốn này cho vay trung và dài hạn. Đến khi thắt chặt tiền tệ thì lập tức gặp khó khăn về thanh khoản. Cuối năm rồi lạm phát giảm nhưng nhu cầu vốn cho chính hệ thống ngân hàng đảm bảo thanh khoản cũng rất lớn. Vì thế chưa có điều kiện giảm ngay lãi suất. “Giảm lạm phát chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Chúng tôi đang tìm mọi giải pháp để hạ lãi suất ngân hàng ở mức hợp lý”  - Thống đốc đặt quyết tâm.

Các chủ đề về tài chính, tiền tệ, nợ xấu, tỷ giá… vẫn đang là chủ đề nóng được độc giả quan tâm, chia sẻ cùng người đứng đầu ngành ngân hàng Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên