Chợ đầu mối bao giờ mới thể hiện đúng công năng?
VOV.VN - Quy hoạch và xây dựng chợ đầu mối rất chậm lại thiếu sự phân cấp quản lý nên dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa và tiềm ẩn ô nhiễm môi trường.
Thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân luôn hấp dẫn các nhà đầu tư bán lẻ trong và ngoài nước. Trong khi đó, với hệ thống 8.900 chợ ở Việt Nam hiện nay mới chi có khoảng 900 chợ được doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, số còn lại chủ yếu là chợ tự phát và rất ít chợ đầu mối được đầu tư, nâng cấp.
Chợ chưa đảm bảo sức khỏe cộng đồng
Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), các chợ đầu mối ở Việt Nam đang gặp những vấn đề lớn về quy hoạch và đảm bảo an ninh trật tự cũng như các tiêu chuẩn về môi trường. Đặc biệt, vấn đề rác thải tại các chợ đầu mối lớn ở các thành phố lớn đang tồn tại nhiều bất cập.
“Nếu không có cơ chế chính sách liên ngành, liên vùng với các cơ sở sản xuất chế biến nông lâm thuỷ sản khu vực phụ cận thì chợ đầu mối là nơi phát sinh lượng chất thải rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm”, bà Nga cho biết.
Chợ đầu mối thiếu chuyên nghiệp trong quy hoạch và bố trí phân loại khu vực hàng hóa nên ít phát huy được công năng. |
Sở dĩ có tỷ lệ khiêm tốn này theo phân tích của bà Hương chính là thiếu sự phối hợp của các địa phương với các Bộ, ngành liên quan mà chủ yếu là không có lộ trình tiếp nhận đầu tư. Cá biệt, các mô hình tổ chức thực hiện, thiết kế, phân loại chợ còn chung chung dẫn đến vận dụng chính sách chủ trương, đường lối, định hướng tại nhiều địa phương rất khác nhau.
“Nhiều dự án chợ gặp khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị đầu tư chưa được hưởng ứng đồng nhất chính sách về thuế, chi phí di chuyển khiến tỷ lệ chợ xây mới thời gian qua rất khiêm tốn”, bà Hương nhận định.
Qua thực tế tại các chợ của Việt Nam, ông Antonio Sartorius, Tư vấn Ngân hàng ADB nhận thấy, hạn chế nhất tại các chợ Việt Nam là chưa đảm bảo sức khoẻ cộng đồng khi còn tồn tại nhiều nguy cơ mất an toàn cho sức khoẻ con người, nhất là vấn đề gây ô nhiễm môi trường của các chợ là rất lớn. “Chợ Việt Nam đa số có quy mô nhỏ, thiếu dịch vụ tốt lại không có khu vực đỗ xe cho người đi chợ và tồn tại lớn nhất là có sự chồng chéo về mặt chức năng bán buôn bán lẻ”, ông Antonio Sartorius chia sẻ.
Mô hình nào cho chợ đầu mối?
Để giải bài toán quy hoạch phát triển cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh, chợ đầu mối ở Việt Nam hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, việc lập ra các chợ đầu mối không dễ thành công tại Việt Nam khi các nhà cung ứng, các nhà sản xuất vẫn chủ yếu từ lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt, tại Việt Nam vẫn còn nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nên khi đưa hàng vào chợ phần lớn gặp khó khăn là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nông sản khi chưa có quy định bắt buộc về ghi nhãn, công bố chất lượng sản phẩm, trong khi đó, bên nông nghiệp vẫn quản lý chủ yếu trong quá trình sản xuất, giấy chứng nhận.
Theo bà Lê Việt Nga, quy hoạch vị trí quyết định sự thành công hay không của mô hình chợ đầu mối. Chính vì thế, các địa phương cần tính toán tới nguồn vốn đầu tư cho các chợ, thành công với nguồn vốn nào và không thành công với nguồn vốn nào.
Bà Nga cũng cho biết, vấn đề tư nhân hoá chợ hoặc cổ phần hóa chợ có thể được xem là giải pháp khả thi. Bởi tới đây, các chợ đầu mối của Hà Nội sẽ do Tập đòan Vingroup đầu tư thông qua hình thức chuyển nhượng quyền thương mại với Chợ đầu mối quốc tế Rungis (Paris, Pháp) trên diện tích 155 ha.
“Mô hình này trong tương lai sẽ được chính phủ khuyến khích và Bộ Công Thương đang xây dựng những cơ chế, chính sách nằm trong chiến lược phát triển thương mại đến 2025 tầm nhìn 2030 để có những chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy mô hình này phát triển”, bà Nga cho hay.
Còn theo quan điểm của ông Antonio Sartorius, Việt Nam cần thành lập các trung tâm tập trung hàng hoá bằng việc nâng cấp các chợ khu vực nông thôn liên kết với các chợ đầu mối. Trong đó, các trung tâm có chứng năng thu gom và tập trung hàng hoá tại nguồn và cung cấp các dịch vụ , cơ sở hạ tầng cho nông dân như phân loại hàng hoá, xử lý làm sạch, đóng gói, bảo quản, phân phối. Khi đó, chợ đầu mối phân thành khu vực kinh doanh các sản phẩm chuyên biệt như rau và trái cây, thực phẩm…với cơ sở hạ tầng hiện đại.
“Trung tâm tập trung hàng hóa cần có kho lạnh để bảo quản nông sản, khu vực thí nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Hội nông dân và hợp tác xã có trách nhiệm quản lý các trung tâm này và đây là mô hình được thử nghiệm và thành công nhiều nhất ở phần lớn các quốc gia”, ông Antonio Sartorius khuyến cáo./.
Phát triển chợ đầu mối: Vướng cả về vốn đầu tư và quản lý