Chợ thông minh 4.0
VOV.VN - Mô hình "Chợ thông minh 4.0" đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân trải nghiệm phương thức thanh toán hiện đại, không dùng tiền mặt, kích thích mua sắm, xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chuyển đổi số.
Đại dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen của người tiêu dùng về hình thức thanh toán, chuyển từ dùng tiền mặt sang sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt nhiều hơn. Cùng với đó, xu hướng số hóa đang dần len lỏi vào đời sống của người dân, xã hội. Vì vậy, việc triển khai chợ 4.0 sẽ giúp giao dịch mua bán tại chợ thuận lợi, an toàn hơn. Người mua hàng chỉ cần chọn sản phẩm, sau đó dùng điện thoại thông minh quét mã để thanh toán thay cho phương thức sử dụng tiền mặt như trước đây. Sau một thời gian thanh toán theo phương thức này, các tiểu thương ở chợ thấy rất thuận lợi. Nếu như trước đây, hàng ngày phải đổi vài trăm nghìn tiền lẻ để trả lại cho khách, bây giờ không cần nữa, sản phẩm trị giá bao nhiêu tiền người mua hàng sẽ chuyển thẳng vào tài khoản.
Hiện nay một số địa phương như Cần Thơ, Hậu Giang, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Long An, Lạng Sơn, Đồng Tháp và TP.HCM đã bắt đầu triển khai thí điểm và nhận được sự hưởng ứng từ phía người dân. Từ đầu năm 2023, Hà Nội cũng đã bắt đầu thí điểm triển khai mô hình này ở một số chợ dân sinh.
Chợ Hàng Bè (phố Gia Ngư, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn tấp nập người mua, kẻ bán. Từ Tết Nguyên đán vừa rồi, nhiều người đi chợ đã không dùng tiền mặt, thay vào đó, họ thanh toán bằng QR Code hoặc chuyển khoản ngân hàng. Mặc dù ít nhiều có bỡ ngỡ, tuy nhiên đa phần đều thấy hào hứng vì phương thức này hạn chế cầm tiền mặt, dễ rơi, mất, nhầm lẫn.
"Sau khi lựa chọn hàng hóa, khách hàng chỉ cần sử dụng điện thoại quét mã QR tại cửa hàng để thanh toán rất nhanh gọn, tiện dụng. Giờ đây khi đi chợ, người dân chỉ cần mang theo chiếc điện thoại thông minh là đủ' '- anh Lê Trung Nguyên, một người dân ở gần chợ Hàng Bè bày tỏ.
Khi tham gia chợ công nghệ 4.0, các tiểu thương sẽ được mở tài khoản miễn phí để thực hiện các giao dịch như: nạp, rút, chuyển tiền một cách nhanh chóng. Đồng thời, được cung cấp mã QR code, phụ kiện,… để thuận tiện trong việc thanh toán, quảng bá cửa hàng.
“Nhà tôi trước đến giờ khách toàn giao dịch bằng tiền mặt, từ ngay áp dụng quét mã như thế này, lượng khách dùng tiền chỉ còn 30, 40% thôi. Mình không phải lo trữ tiền lẻ để trả khách nữa, nói chung là khá thuận tiện”- đại diện hộ kinh doanh thực phẩm Hoàng Dũng ở chợ Hàng Bè chia sẻ.
Người bán và người mua có thể thoải mái đi chợ không cần mang tiền mặt. Nhà cung cấp dịch vụ luôn đổi mới phong cách phục vụ, nâng cấp giao diện ứng dụng, đưa ra nhiều ưu đãi hơn cho khách hàng tham gia quét mã QR…. nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho tiểu thương và người dân đi chợ quen dần với thanh toán không dùng tiền mặt.
“Chợ đông, nhưng hình thức thanh toán quẹt app như thế này diễn ra nhanh, thuận tiện cho người mua, người bán, nên không có hiện tượng ùn tắc ở các cửa hàng. Vả lại mọi người có thắc mắc gì, nhân viên nhà mạng có mặt ngay tại đấy, và giúp đỡ luôn, nên mọi người rất hứng khởi” - ông Chu Công Tân, Phó chủ tịch UBND phường Hàng Bạc cho biết thêm.
Việc thanh toán số cần được đi vào từng giao dịch trong cuộc sống thường nhật, từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là phục vụ cho các hoạt động thanh toán hàng ngày. Do đó, việc triển khai số hóa thanh toán tại chợ là một trong những giải pháp để có thể đạt được mục tiêu này một cách bền vững.
Ông Phạm Văn Sinh, đại diện Viettel, đơn vị cung cấp dịch vu thanh toán qua app cho biết, phương thức thanh toán bằng điện thoại khi mua hàng tại chợ rất thuận tiện. Mô hình "Chợ thông minh 4.0" hoạt động hiệu quả, ngày càng được nhân rộng, các địa phương đang đẩy mạnh việc tuyên truyền cho nhân dân về các lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt; trực tiếp hướng dẫn, vận động người dân sử dụng, cài đặt nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt và các nền tảng, dịch vụ khác trên điện thoại thông minh… từ đó tạo cơ hội cho người dân thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ số, sử dụng công nghệ số, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số. "Cần tập trung nhiều vào khách hàng trẻ tuổi, họ hiện nay là những người tiêu dùng qua các app nhiều nhất”- ông Phạm Văn Sinh nhấn mạnh.
Mô hình "Chợ thông minh 4.0" tuy mới được triển khai song đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn cả nước./.
Với mô hình "Chợ thông minh 4.0", toàn bộ tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền qua số điện thoại trên các ứng dụng vô cùng nhanh chóng, thuận tiện.
Người dân có thể thoải mái đi chợ mà không còn những trở ngại như mang theo tiền lẻ, tính toán tiền thừa…
Tiểu thương chỉ cần giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số điện thoại chính chủ, sẽ có nhân viên của nhà mạng hỗ trợ tạo tài khoản để giao dịch, việc lập tài khoản chỉ trong vài phút.
Các điểm kinh doanh được trang bị bảng quét mã QR để khách hàng dễ thanh toán. Ngay cả khi điện thoại của khách hàng không có kết nối internet cũng vẫn có thể thanh toán được thông qua việc nhập mã trên điện thoại.
Theo đó, mô hình "Chợ thông minh 4.0" là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ, đồng thời, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận các phương thức thanh toán hiện đại.