Cho vay ứng dụng công nghệ cao đã đạt 26.000 tỷ đồng

VOV.VN -Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, gói tín dụng này còn mới nên chưa thể đánh giá hết tác động. 

Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao đã chính thức hoạt động, đến nay các NH đã cho vay 26.000 tỷ đồng. Liên quan gói tín dụng này, Phóng viên VOV.VN phỏng vấn Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú.

 

PV: Thưa ông, tới thời điểm này đã có bao nhiêu ngân hàng đăng ký tham gia gói 100.000 tỷ dành cho nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao?

Ông Đào Minh Tú: Hiện có 8 ngân hàng thương mại đăng ký số vốn hơn 100.000 tỷ đồng, dành cho các đối tượng theo Quyết định 83, là những đối tượng đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp nông thôn. Vốn đăng ký đã hơn 100.000 tỷ, đã cho vay được con số tương đối lớn. Tổng dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao đạt 26.000 tỷ, với 4.021 khách hàng. Trong đó 3.957 khách hàng cá nhân, 64 DN. Cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 21.700 tỷ, chiếm 84% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.300 tỷ đồng, hiện chưa phát sinh nợ xấu.

Còn Quyết định 813 của NHNN ban hành ngày 24/4 vừa qua cũng trên cơ sở thống nhất với Bộ Nông nghiệp những điều kiện quy định, để tránh việc lợi dụng vì cho vay theo gói này thấp hơn thông thường từ 1 đến 1,5%/năm. Tôi cho rằng việc triển khai bước đầu như vậy là rất chủ động, tích cực.

Vì cho vay này còn mới, khi cho vay được tính toán chặt chẽ nên chưa thể đánh giá hết tác động của gói tín dụng.

PV: Nhiều người lo ngại, DN vay vốn về trồng các loại cây, nuôi các loại con mà người dân cũng làm, như vậy có thể làm thị phần bị bão hoà, khó khăn trong bao tiêu sản phẩm. Vậy khi thẩm định dự án, phía ngân hàng có quan tâm đến vấn đề đó hay không thưa ông?

Ông Đào Minh Tú: Đây cũng chính là điểm mà chúng tôi quan tâm. Một trong những yếu tố khi cho vay các ngân hàng đều phải tính đến hiệu quả, đúng hơn là người vay có trả nợ được không, trên cơ sở tiêu thụ được sản phẩm. Ví dụ, lợn vừa rồi tiêu thụ không được, lập tức nợ xấu xuất hiện. Mà nợ xấu này hoàn toàn do tính chất khách quan của nền kinh tế đưa lại chứ không phải do ngành ngân hàng tạo ra.

Nếu quá nhiều DN đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, thị trường sẽ bão hòa, người dân phải mua sản phẩm giá cao?

Nếu như sản xuất, đầu tư không phù hợp cầu thị trường, nhu cầu của nền kinh tế, thì không tiêu thụ được sản phẩm. Muốn thế phải tránh  làm theo phong trào. Muốn đạt được điều đó, ở góc độ tổng thể của nền kinh tế, chúng tôi cũng phân tích đến ngưỡng nào thì nó là điểm hài hoà giữa cung và cầu của nền kinh tế. Nhưng tất nhiên điều tra được nhu cầu của nền kinh tế như thế nào, nhất là với sản phẩm sạch, thì rất khó.

Nếu là sản phẩm thiết yếu, bắt buộc phải tiêu dùng, thì dễ điều tra hơn. Nhưng sản phẩm chất lượng cao này phù hợp đối tượng nào thì lại là câu chuyện khó khăn hơn. Vì người ta có thể sử dụng sản phẩm không phải công nghệ cao, theo cách truyền thống bà con vẫn làm. Ngân hàng rất quan tâm, để tránh sau này đầu tư nhiều quá, khiến cung vượt quá cầu, không tiêu thụ được hoặc suất đầu tư cao quá thì việc trả nợ sẽ khó khăn, khi đó dẫn đến nợ xấu, nợ khó đòi…

PV: Với quy mô nền kinh tế, nhu cầu hiện nay, theo ông gói 100.000 tỷ dành cho nông nghiệp công nghệ cao là vừa hay quá lớn?

Ông Đào Minh Tú: Để nói là đủ hay thiếu, thừa thì chưa nói được, vì tất cả cũng mới chỉ có một số dự án bắt đầu được triển khai, nhất là những dự án mới với quy mô lớn. Còn chủ yếu là các dự án vừa và nhỏ. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng, nói gói 100.000 tỷ đủ hay không chưa thể nói lúc này. Hai nữa là những sản phẩm có đủ hay không, biết đâu có điều kiện xuất khẩu, mở rộng thị trường ra nước ngoài, thì câu chuyện 100.000 tỷ chưa chắc là lớn. Nhưng ngược lại, nếu chỉ giải quyết chuyện cung cấp sản phẩm sạch, công nghệ cao cho thị trường trong nước thì có khi lại chưa cần dùng hết gói 100.000 tỷ đồng trong một năm.

PV: Gói 100.000 tỷ có giới hạn đối tượng cho vay hay không, thưa ông?

Ông Đào Minh Tú: Chúng tôi đã có quyết định 813, những ai có đủ điều kiện, yếu tố quy định trong đó thì là đối tượng được vay, chứ không quy định phải là đối tượng lớn hay tập đoàn lớn. Miễn là làm sao trong hoạt động đó có ứng dụng công nghệ cao. Các nội dung cụ thể đã được nêu rõ trong Quyết định, đã được bàn thấu đáo giữa NHNN và Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên