Chọn đường đi cho Việt Nam trong bối cảnh thế giới mới

(VOV) -Bối cảnh thế giới hiện nay, những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là chủ đề hội thảo khoa học diễn ra tại Hà Nội sáng 25/10

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu tại Mỹ từ năm 2007 đến nay, GS-TS kinh tế Đỗ Thế Tùng thuộc Học viện chính trị- hành chính quốc gia Hồ Chí Minh chỉ ra 4 thách thức đối với Việt Nam, đó là nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu CNH-HĐH, nợ công và nợ nước ngoài tăng nhanh, cơ cấu kinh tế quốc dân còn nhiều điểm chưa hợp lý, hệ thống tiền tệ- tín dụng chưa lành mạnh.

GS-TS Đỗ Thế Tùng cũng đề cập đến vấn đề nợ xấu đang được thảo luận sôi nổi ở diễn đàn Quốc hội: “Nợ xấu ở Việt Nam có rất nhiều nguyên nhân, trong đó ngân hàng chỉ nặng về cho vay thế chấp mà không chú ý đến dự án khả thi. Bản chất của tín dụng là phải tín chấp, còn chúng ta lại nặng thế chấp, giống như hệ thống cầm đồ, không hiểu người ta sử dụng vốn đấy có hiệu quả không. Tôi cho rằng, hệ thống ngân hàng của chúng ta phải quay lại về đúng chức năng của nó”.   

Cũng đến từ Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, GS-TS Chu Văn Cấp lại đưa ra những giải pháp phát triển mô hình “kinh tế xanh”, thay vì “kinh tế nâu”, nặng về khai thác tài nguyên thiên nhiên như hiện nay.

GS-TS Chu Văn Cấp nói: “Các doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức. Họ mới chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà quên việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, giáo dục cho người dân phải hiểu rõ ý nghĩa của bảo vệ môi trường. Ngoài ra phải đầu tư mạnh cho phát triển kinh tế xanh, đặc biệt là các công trình điện gió, điện mặt trời…”.

Những đặc điểm cơ bản và xu hướng của thế giới đương đại, phát triển bền vững trong bối cảnh mới của thế giới, những vấn đề phát triển văn hóa- giáo dục, phát triển nguồn nhân lực trong điều kiện hội nhập quốc tế… là những vấn đề được trình bày tại hội thảo.

GS-TS Vũ Văn Hiền - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, chúng ta đang chứng kiến những sự thay đổi của thế giới như: Cách mạng khoa học công nghệ, kinh tế trí thức, toàn cầu hóa, các đường biên giới quốc gia dường như “mờ đi” với sự ra đời của internet… Bởi vậy, việc nhận thức rõ hơn đặc điểm của thế giới đương đại với toàn bộ tính phức tạp và thay đổi khó lường của nó là xuất phát điểm quan trọng để biết mình, biết ta, giúp cho việc hoạch định chính xác chiến lược, chính sách phát triển của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. /.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên