Chống khai thác IUU: Đồng bộ các giải pháp gỡ thẻ vàng của EC
VOV.VN - Để sớm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC), nhiều địa phương đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp mạnh tập trung vào các nhóm giải pháp mà EC khuyến nghị như: Khung pháp lý; Quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra kiểm soát tàu cá; Truy xuất nguồn gốc; Thực thi pháp luật.
Thời gian qua, Ban quản lý cảng cá của tỉnh Thanh Hóa và Văn phòng đại diện các địa phương thường xuyên phối hợp kiểm tra, kiểm soát tàu cá; tổng hợp thông tin, dữ liệu báo cáo, kiểm soát tàu cá cập cảng và rời cảng theo quy định.
Ngư dân Trần Duy Thịnh ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa và ngư dân Phạm Văn Bình ở thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ, trước và sau mỗi chuyến biển, lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở chủ tàu, thuyền trưởng không xâm phạm vùng biển nước ngoài, duy trì tín hiệu kết nối trên biển, ngăn chặn, giảm thiểu hành vi vi phạm khai thác IUU:
"Chúng tôi được tuyên truyền để hiểu biết nhiều hơn về ngư trường đánh bắt, không vi phạm vùng biển nước ngoài".
"Bộ đội biên phòng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở lắp đầy đủ thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện và tuyên truyền đánh bắt đúng vùng biển pháp luật quy định, từ đó chúng tôi có ý thức chấp hành nghiêm trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển".
Là địa phương từ năm 2021 đến nay chưa để xảy ra trường hợp tàu cá vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho biết, gỡ “thẻ vàng” của EC được xác định là nhiệm vụ quan trọng của địa phương. Song song với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân, thời gian tới tỉnh sẽ mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên ngành, liên tỉnh để kịp thời phát hiện cũng như xử phạt nghiêm hành vi khai thác IUU theo quy định.
Quyết liệt, trách nhiệm hơn trong chống vi phạm quy định IUU, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cho rằng, không chỉ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến quy định Luật Thủy sản, đặc biệt là quy định chống khai thác IUU cho cộng đồng ngư dân ven biển, mà còn phải tập trung nhắc nhở, cảnh báo, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm:
"Thời gian qua nhận thức bà con được nâng lên, tuy nhiên còn một số bộ phận cũng chưa nhận thức rõ vì vậy phải tiếp tục tuyên truyền và đặc biệt là giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương phối hợp với các lực lượng để tiếp tục vận động tuyên truyền chống IUU. Mục tiêu đối với thành phố Hải Phòng sẽ thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ để làm sao mà việc gỡ thẻ vàng nhanh nhất" - ông Thọ cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là lỗi nghiêm trọng được phía EC đánh giá khi đưa ra khuyến nghị đối với thủy sản Việt Nam. Cùng với quản lý lượng tàu vào cảng, số lượng hải sản khai thác cũng như vấn đề truy xuất nguồn gốc phải cụ thể và chính xác. Đối với tàu cá nằm bờ, địa phương phải nắm bắt cụ thể, tàu đang neo đậu tại vị trí nào.
Cụ thể, với tàu có chiều dài 15m trở lên nằm trong danh sách vi phạm về thiết bị giám sát hành trình (VMS) mà Trung tâm Thông tin thủy sản đã gửi địa phương phải xử lý dứt điểm. Riêng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản phải kiên quyết không mua các sản phẩm vi phạm khai thác IUU.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ: "Phải tập trung quyết liệt để ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, điều này có ý nghĩa quan trọng và quyết định. Về truy xuất nguồn gốc chúng ta phải đảm bảo được sản lượng khai thác ở các khu vực, các địa phương đều phải quán triệt truy xuất được nguồn gốc, từ ghi sổ nhật ký, đến vùng khai thác, kinh độ, vĩ độ, đưa cá vào cảng đều phải rất rõ nguồn gốc và khi xuất khẩu các thị trường của Châu Âu thì đều có hồ sơ từ khai thác đến các thị trường".
Trong cuộc họp cuối tháng 8 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu rõ, lãnh đạo các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo và địa phương quyết liệt và trách nhiệm hơn trong chống khai thác IUU. Đồng thời phải có tổng thể các giải pháp đồng bộ để gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC).
Theo Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang: "Từ Trung ương đến địa phương phải quyết liệt và trách nhiệm hơn. Thời gian không còn nhiều, việc của chúng ta khó. Chúng ta sẽ sử dụng bộ giải pháp tổng hợp liên quan tới tất cả các bộ, ngành, địa phương và mục tiêu từ đây xử lý những phần việc cần thiết cho đến khi EC đi kiểm tra. Các địa phương tiếp tục tập trung 3 nhóm việc: một là quản lý tàu, hai là quản lý cảng cá và phối hợp, điều phối với các cơ quan Trung ương và các địa phương khác trong chống IUU".
Theo kế hoạch vào tháng 10 năm nay, đoàn công tác của Ủy ban Châu Âu (EC) lần thứ tư sẽ sang thanh tra, kiểm tra chống khai thác IUU tại Việt Nam. Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” bằng những cam kết mạnh mẽ và nhiều giải pháp cụ thể từ Trung ương đến địa phương không chỉ lấy lại uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn hướng tới phát triển nghề cá hiện đại và bền vững.