Chủ nhà hàng cầm cự để giữ nhân viên và trả tiền thuê cửa hàng
VOV.VN - Chủ những quán ăn uống mở cửa hàng ngày để cầm cự, giữ khách, giảm bớt một phần tiền thuê cửa hàng; một số cửa hàng phải đóng cửa nghỉ chờ dịch qua đi.
Mở quán có khi lỗ kép
Ngõ Lê Đại Hành (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nổi tiếng bấy lâu nay là ngõ ăn uống, hàng loạt hàng quán từ cơm, bún, phở… phục vụ khu vực văn phòng Vincom Bà Triệu và lân cận vốn luôn nhộn nhịp nay đã trở nên vắng vẻ. Các quán đều treo biển bán hàng mang về, lác đác một số cửa hàng đóng cửa tạm thời nghỉ.
Tại quán cơm văn phòng (ngõ Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng) ngay buổi trưa - “giờ vàng” đón khách văn phòng nay cũng im ắng, vắng vẻ. Trong quán chỉ có chủ quán và một nhân viên ngồi xem điện thoại.
Chị Nguyễn Trúc Mai, chủ cửa hàng chia sẻ, quán mở từ trước Tết tới nay chịu 2 lần dịch khiến kinh doanh khó khăn, quán có 2 nhân viên, nay chỉ còn một nhưng vẫn trầy trật để trả tiền lương cho nhân viên và tiền thuê cửa hàng.
“Trước đây, khi khách ngồi ăn tại cửa hàng thì trung bình khoảng 50 - 60 suất cơm văn phòng và nước uống mỗi ngày, giờ ngày bán được được 10 - 15 suất, nước uống bán không đáng kể. Cửa hàng thuê 12 triệu đồng/tháng, cộng lương nhân viên thì cầm chắc là lỗ nhưng vẫn phải duy trì để giữ khách và gỡ lại phần nào tiền thuê cửa hàng đã đóng rồi” - chị Mai nói.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, chủ quán cafe trên đường Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) thì chọn giải pháp đóng cửa, chấp nhận mất tiền thuê cửa hàng.
“Tôi đóng cửa hàng nghỉ trong lúc dịch này, hy vọng trong một tháng Hà Nội dập được dịch để mở lại, mình mất 1 tháng tiền nhà, cũng thương lượng với chủ nhà giảm được 50% tiền nhà trong tháng dịch. Giờ nếu tôi mở cửa hàng là lỗ kép, vừa trả tiền thuê và vừa trả tiền nhân viên”.
Dọc các con phố tập trung các hàng ăn uống như Tô Hiệu, Huỳnh Thúc Kháng, Triệu Việt Vương, rất nhiều cửa hàng đóng cửa. Trên các hội nhóm bán hàng thì tin về thanh lý, chuyển nhượng cửa hàng, thanh lý đồ pha chế… cũng tràn các trang.
Lượng cho thuê cửa hàng lại tăng
Một số cửa hàng ăn uống cầm cự với lượng khách ít ỏi, một số cửa hàng đã đóng cửa điều này đồng nghĩa với mặt bằng kinh doanh, cửa hàng cho thuê tăng lên.
Anh Nguyễn Văn Đoàn, một môi giới phân khúc thị trường cho thuê cửa hàng khu vực trung tâm Hà Nội cho biết, nếu đợt dịch đầu, chỉ các cửa hàng phục vụ khách du lịch trên phố cổ ảnh hưởng nhiều thì những đợt dịch sau hầu hết các cơ sở kinh doanh ảnh hưởng.
“Khách thuê mở cửa hàng vài tháng, dài thì đến nửa năm, sau đó lại trả mặt bằng, chủ nhà lại gọi nhờ môi giới cho thuê, khách khác lại vào. Từ năm trước tới nay, có những điểm cửa hàng tôi đã 4 lần dẫn khách vào thuê. Việc mở cửa hàng trong lúc dịch bệnh này khó khăn” - anh Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ.
Thông thường mỗi tháng có khoảng 5 - 7 điểm cửa hàng cho thuê mới nhưng từ khi dịch bệnh có khi lên tới 20 - 25 điểm cửa hàng cho thuê cần giới thiệu khách khu vực trung tâm Hà Nội, anh Đoàn cho biết thêm.
Chị Lê Ngọc Lan, một chủ nhà ở phố Thái Phiên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh trực tiếp mà người cho thuê mặt bằng cũng mệt mỏi.
“Nhà tôi lúc đầu cho thuê là 23 triệu đồng/tháng, đợt dịch thứ nhất giảm xuống còn 15 triệu đồng/tháng, đợt thứ 2 và 3 giảm tiếp xuống 12 triệu đồng/tháng, giờ cửa hàng lại tiếp tục bị trả vì người thuê không bán được hàng. Muốn cho thuê ổn định, lâu dài trong lúc này thực sự khó” - chị Lê Ngọc Lan nói.
Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, phân khúc mặt bằng kinh doanh cho thuê và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, giá mặt bằng có những thời điểm giảm 50% không có khách thuê./.