Chưa hoàn thiện khung pháp lý, ngân hàng số dè dặt ra mắt
VOV.VN - Do chưa có khung pháp lý đầy đủ với các ý tưởng về các sản phẩm số hóa hoàn toàn mới, dẫn đến các ngân hàng còn dè dặt trong việc ra mắt sản phẩm mới, phương thức làm việc theo lối cũ…
Chưa hoàn thiện khung pháp lý, ngân hàng số dè dặt ra mắt. Nội dung này được nêu ra tại Diễn đàn với chủ đề "Tương lai chiến lược Ngân hàng số tại Việt Nam" do Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức sáng 25/3.
Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Fintech, Hiệp hội Ngân hàng, hiện có 42% tổ chức tín dụng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 28% đã và đang thực hiện triển khai chuyển đổi số tích hợp với chiến lược kinh doanh và 11% đã phê duyệt và đang triển khai chiến lược chuyển đổi số riêng.
Phần lớn các tổ chức tín dụng không chỉ triển khai đa dạng dịch vụ cho khách hàng trên kênh số như chuyển tiền online, tiết kiệm trực tuyến, thanh toán hóa đơn, thanh toán qua thương mại điện tử chiếm từ 47%-77,7% ; và trên 41% đang kỳ vọng triển khai đăng ký và xét duyệt khoản vay trên kênh số.
Tuy nhiên, một số ngân hàng chưa xác định rõ tầm nhìn về số hóa ngân hàng và mối liên hệ với chiến lược kinh doanh. Do chưa có khung pháp lý đầy đủ với các ý tưởng về các sản phẩm số hóa hoàn toàn mới, dẫn đến các ngân hàng còn dè dặt trong việc ra mắt sản phẩm mới; phương thức làm việc theo lối cũ… Cùng với đó, chiến lược đầu tư hạ tầng công nghệ nền tảng tài chính chậm và chưa đồng bộ; hạn chế nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong phát triển ngân hàng số…
Ông Phạm Xuân Hùng, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, điều quan trọng cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về ngân hàng số.
"Một số định hướng về pháp lý trong thời gian tới, chúng ta phải sớm ban hành cơ sở cho các tổ chức tài chính thực hiện Ngân hàng số, trong đó có vấn đề định danh khách hàng. Tiếp đến các chính sách về an toàn bảo mật thông tin khách hàng đây là cái mà chúng ta phải đề cập đến trong lĩnh vực kỹ thuật số và đặc biệt là vấn đề tiêu dùng. Đối với các ngân hàng thương mại thì cũng cần phải có kế hoạch lộ trình thực hiện rất cụ thể trong việc thực hiện phát triển ngân hàng số", ông Hùng nêu rõ.
Việc số hóa ngành ngân hàng sẽ tạo nhiều đột phá đối với ngành dịch vụ tài chính Việt Nam, các ý kiến đại biểu cho rằng cần số hóa kênh phân phối và sản phẩm truyền thống; Tinh giảm và tối ưu các quy trình; xây dựng hệ sinh thái đa dạng. Cùng với đó thành lập mô hình ngân hàng số riêng biệt với nhóm khách hàng mới; sản phẩm số hóa hoàn toàn, thương hiệu mới…
Nguyên phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Phạm Xuân Hòe cho rằng: "Cần phải có quan điểm rất mở và cân bằng giữa khuyến khích đổi mới sáng tạo với vấn đề rủi ro thì mới có thể làm được. Thứ hai là Cơ sở dữ liệu quốc gia phải khẩn trương xây dựng thật tốt có chất lượng thì mới có thể làm cho ngân hàng phát triển, kinh tế số phát triển được. Điểm nữa là cần phải có cơ chế thử nghiệm (Sandbox) rõ ràng cho từng mảng nghiệp vụ cụ thể. Một điều nữa là hạ tầng cho giao dịch số và hạ tầng thanh toán quốc gia cần phải đổi mới nhanh hơn tốt hơn, đặc biệt là thanh toán bán lẻ"./.