Chưa siết vay ngoại tệ
Chủ trương siết chặt cho vay ngoại tệ sau ngày 31/12/2012 có thể sẽ chưa thực hiện ngay nếu nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất khẩu nói riêng còn gặp nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp xuất khẩu kêu khó vì tỷ giá
Trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) coi ổn định tỷ giá từ đầu năm tới nay là thành tích lớn, thì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lại than vãn rằng, lợi nhuận từ tỷ giá không còn.
Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) than thở: “Mấy năm nay, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn về thị trường, chi phí đầu vào tăng vọt, vì vậy, tiền lãi của chúng tôi chủ yếu trông chờ vào chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, hiện nay, chính sách ổn định tỷ giá, tuy tốt cho ổn định nền kinh tế nói chung, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu lại rất khó khăn”.
Tương tự, ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty Intimex, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng đề nghị: “Chúng tôi mong tỷ giá ổn định, song có sự điều chỉnh một chút theo hướng đi lên để doanh nghiệp xuất khẩu đảm bảo có lợi nhuận. Nếu NHNN ‘neo’ tỷ giá như hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu bị nước ngoài ép giá và sẽ phải quay lại ép giá nông dân”.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện nay, tiền Việt đang được định giá hơi cao so với USD, gây bất lợi cho xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn về thị trường, khiến hàng hoá Việt Nam giảm sức cạnh tranh với các nước khác. Do vậy, điều chỉnh tăng tỷ giá đang được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng là yếu tố kích thích xuất khẩu trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Cũng liên quan đến ngoại tệ, một vấn đề nữa khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng là, theo Thông tư 03/2012/TT-NHNN, sau ngày 31/12/2012, các ngân hàng sẽ siết chặt cho vay ngoại tệ. Theo đó, đối tượng vay ngoại tệ bị co hẹp rất nhiều so với trước và doanh nghiệp có nhu cầu về ngoại tệ sẽ phải mua, chứ không được vay như hiện nay.
Việc doanh nghiệp muốn tăng tỷ giá, “nới” đối tượng vay ngoại tệ không có gì là khó hiểu. Theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank, hiện nay, lãi suất vay USD bình quân là 4,5%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất vay VND (15%/năm). Hơn nữa, NHNN đã tuyên bố sẽ không để tỷ giá biến động quá 3% trong năm nay, có nghĩa là, vay bằng USD sẽ không bị rủi ro. Đây cũng chính là lý do từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng chủ yếu là tín dụng ngoại tệ.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng lý giải, ngoài lý do vay USD có lãi suất rẻ hơn vay VND, doanh nghiệp xuất khẩu còn muốn vay USD là để “ăn trên lưng ngân hàng”. Cụ thể, doanh nghiệp vay bằng USD, sau đó bán USD cho ngân hàng, lấy tiền đồng để kinh doanh hoặc gửi tiết kiệm, khi nào đối tác xuất khẩu thanh toán thì doanh nghiệp lại lấy nguồn USD này trả nợ ngân hàng.
Trong khi đó, phía ngân hàng cũng muốn đẩy mạnh cho vay USD, bởi trần lãi suất huy động USD hiện nay chỉ 2%/năm, khiến lợi nhuận từ cho vay ngoại tệ không nhỏ. Vì vậy, việc “nới” cửa vay ngoại tệ được cả doanh nghiệp xuất khẩu và ngân hàng trông đợi.
Có thể chưa siết vay ngoại tệ
Tình trạng “doanh nghiệp xuất khẩu muốn tăng, nhà băng muốn níu” về tỷ giá không chỉ diễn ra năm nay. Luồng ý kiến ủng hộ nhà băng thì cho rằng, ổn định tỷ giá, siết cho vay ngoại tệ là cần thiết để chống đô-la hóa, ổn định kinh tế vĩ mô. Song luồng ý kiến khác lại cho rằng, xuất khẩu là lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế nước ta, nên cũng phải đặc biệt coi trọng. Việc neo giữ tỷ giá quá lâu sẽ khiến xuất khẩu suy giảm, ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ và cả nền sản xuất.
Trước bức xúc của doanh nghiệp, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, hết năm 2012, nếu nền kinh tế có dấu hiệu sáng sủa, thì mới áp dụng Thông tư 03/2012/TT-NHNN; còn nếu nền kinh tế nói chung, xuất khẩu nói riêng, vẫn tiếp tục khó khăn, thì NHNN sẽ lùi thời hạn thực hiện Thông tư này một thời gian nữa. Như vậy, nhiều khả năng, đối tượng vay ngoại tệ vẫn chưa bị co hẹp trong đầu năm tới.
Riêng về tỷ giá, ông Bình khẳng định, NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường, song điều chỉnh theo hướng ổn định. “Ổn định ở đây không có nghĩa là tỷ giá bị cố định, mà đảm bảo không tăng giật cục như những năm trước, tức là, nếu biến động cũng không quá 2 - 3% trong năm nay”, ông Bình cho biết./.