Chuẩn bị tốt hạ tầng các khu công nghiệp đón dòng đầu tư mới
VOV.VN - Nhiều tập đoàn lớn đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư sang các nước ở châu Á, trong đó Việt Nam là điểm đến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Cần chuẩn bị đón dòng đầu tư mới khi hiện nay, nhiều tập đoàn lớn đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư Trung Quốc +1. Đó là làn sóng đầu tư ra ngoài Trung Quốc, tránh “bỏ trứng vào 1 rổ”. Trong đó, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam... là nơi nhà đầu tư chọn cho chuỗi cung ứng của mình. Các DN muốn chọn châu Á là bệ đỡ để san sẻ khó khăn, rủi ro trong đầu tư sản xuất, kinh doanh, trong đó Việt Nam là điểm sáng trong thu hút đầu tư.
Dòng vốn đầu tư đang chuyển dịch lớn
7 tháng qua, vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 16,24 tỷ USD, trong đó, lĩnh vực bất động sản thu hút được hơn 1,6 tỷ USD, đứng vị trí thứ 2 trong các ngành, lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất. Lượng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam khiến nhu cầu bất động sản công nghiệp tăng. Các khu công nghiệp là địa chỉ hấp dẫn đối với các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài khi đến Việt Nam.
Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 60% vốn đầu tư vào Việt Nam là công nghiệp chế biến, chế tạo. Nên các khu công nghiệp có hạ tầng sẵn, cung cấp tốt về nguồn điện, hệ thống xử lý rác thải, nước thải tốt ....được các nhà đầu tư rất quan tâm. Dòng vốn đầu tư cũng có sự chuyển dịch lớn, xuất hiện nhiều các nhà đầu tư từ Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bắc Mỹ.. quan tâm đầu tư năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
“Nhà đầu ở Bắc Mỹ ngày càng xuất hiện nhiều với các tập đoàn lớn của Mỹ. Vừa rồi, Cục Đầu tư nước ngoài tiếp các tập đoàn lớn của Mỹ đến tìm hiểu đầu tư, đặc biệt có Hiệp hội bán dẫn của Mỹ với 32 thành viên đến khảo sát, tìm hiểu Việt Nam như là 1 điểm đến để dịch chuyển các dự án sản xuất bán dẫn, chip”, ông Sử thông tin.
Sớm gỡ điểm nghẽn bất động sản công nghiệp
Hiện nay, cả nước 292 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy hơn 75%. Trong đó các tỉnh, thành phía Nam tỷ lệ này là 80%. Riêng ở tỉnh Bình Dương tỷ lệ này là khoảng 85%. Còn tại TP.HCM, dù là nơi được nhiều các nhà đầu tư quan tâm song nguồn bất động sản công nghiệp rất hạn chế.
Ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp các khu công nghiệp TP. HCM cho biết, 18 khu công nghiệp của thành phố tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%. Điểm nghẽn trong thu hút đầu tư hiện nay là bất động sản cho công nghiệp. “Các DN lớn đến TP.HCM đầu tư cần diện tích đất từ 100 ha trở lên thành phố không thể có để đáp ứng. Thành phố muốn đón “đại bàng” nhưng chỉ có “tổ chim én” nên không thể đón được”, ông Đức ví von và thừa nhận thực tế, thời gian qua nhiều nhà đầu tư lớn đã chuyển đến các địa phương khác đầu tư.
Trước hạn chế này, TP.HCM đang triển khai xây dựng khu công nghiệp Phạm Văn Hai 668 ha ở huyện Bình Chánh để đón những nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên hiện nay, các nhà đầu tư không chỉ yêu cầu hạ tầng trong các khu công nghiệp hoàn thiện, nhà xưởng cho thuê chất lượng, dịch vụ tốt mà còn cần hạ tầng kết nối với các khu công nghiệp khác.
“TP.HCM quá chậm trong việc phát triển các hệ thống giao thông đường vành đai, điều đó ảnh hưởng đến việc kết nối của các khu công nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến kết nối các địa phương ở trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vấn đề lớn nhất hiện nay là có giải pháp nhanh chóng để hoàn thiện đường vành đai, kết nối giao thông giữa TP.HCM với các địa phương lân cận như Mộc Bài, Tây Ninh hay một số tỉnh miền Tây”, ông Đào Xuân Đức nêu bất cập cần tháo gỡ.