Chương trình kết nối cung - cầu công nghệ năm nay có 3 nét mới
VOV.VN -Chương trình kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Nam Bộ năm 2015 tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ cung cấp bức tranh tổng thể về đổi mới công nghệ.
Từ ngày 5 đến 6/11 tới, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hoạt động “Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Nam Bộ năm 2015”. Hoạt động này nhằm kết nối cung - cầu công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trước sự canh tranh lớn khi Việt Nam gia nhập TPP.
Phóng viên Đài TNVN trao đổi với ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết mục tiêu và lĩnh vực của những công nghệ được giới thiệu để chuyển giao trong chuỗi hoạt động trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ khu vực Nam Bộ năm nay?
Ông Tạ Việt Dũng: Hoạt động kết nối cung cầu năm nay là chuỗi hoạt động khép kín từ nghiên cứu, kết nối cung cầu, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa công nghệ, nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường công nghệ Việt Nam. Đối tượng hướng tới của chúng tôi là các doanh nghiệp đã và đang hoạt động có nhu cầu đổi mới công nghệ.
Số doanh nghiệp này hiện nay là rất lớn. Họ đã đầu tư dây chuyền công nghệ, sản xuất ra sản phẩm rồi, nhưng đến thời điểm này họ muốn đổi mới công nghệ. Năm nay chúng tôi cũng có một khu dành riêng cho các start-up giới thiệu công nghệ mà họ nghiên cứu ra hoặc có nhu cầu chuyển giao công nghệ.
Đối với công nghệ được giới thiệu năm nay để chuyển giao, khu vực nước ngoài chiếm 1/3 số công nghệ, đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Châu Âu. Các công nghệ này có thể được giới thiệu ngay trong các hội thảo quốc tế ở nước ngoài và giới thiệu ngay trong khu vực trình diễn công nghệ lần này, tập trung vào lĩnh vực công nghệ sinh học, xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công nghệ xử lý nền đất yếu khu vực Nam bộ và Tây Nam bộ có nhu cầu cao.
Ông Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. |
PV: Vậy hoạt động trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ của Bộ Khoa học – Công nghệ năm nay có gì đáng chú ý để giúp doanh nghiệp trong nước có thể nâng cao sức cạnh tranh trước ngưỡng cửa TPP, thưa ông?
Ông Tạ Việt Dũng: Nét mới năm nay là chúng tôi tìm kiếm các chuyên gia để cung cấp bức tranh tổng thể cho các doanh nghiệp khi chúng ta tham gia vào TPP. Từ đó, doanh nghiệp có thể biết sản phẩm của họ bị cạnh tranh như thế nào. Từ sự cạnh tranh đó thì công nghệ cần phải đổi mới ra sao để có thể sản xuất được sản phẩm có chất lượng tốt hơn để cạnh tranh.
Ngoài ra, hoạt động kết nối cung – cầu năm nay thay đổi theo 3 nội dung mới: Một là, tìm kiếm lực lượng chuyên gia đưa xuống tư vấn trực tiếp các công nghệ cụ thể mà do doanh nghiệp đặt hàng. Hai là, giới thiệu công nghệ có định hướng thông qua các hội thảo, tọa đàm tại khu kết nối cung – cầu công nghệ, tập trung vào vấn đề về hạ tầng và đô thị cho khu vực phía Nam. Ba là, liên quan đến kết nối tài chính.
Bên cạnh sự tham gia của các quỹ quốc tế, còn có sự tham gia của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, các chương trình khác của Bộ Khoa học – Công nghệ và đặc biệt có sự tham gia của các ngân hàng. Những năm trước các ngân hàng không tham gia hoạt động này. Năm nay chúng tôi mời các ngân hàng có uy tín trong và ngoài nước để giới thiệu những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi họ đầu tư đổi mới công nghệ.
PV: Như vậy, mục tiêu của hoạt động trình diễn, kết nối cung – cầu công nghệ và Techmart đều nhằm kết nối cung - cầu công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ông có thể cho biết sự khác nhau giữa 2 hoạt động này?
Ông Tạ Việt Dũng: Cách thức tổ chức của hoạt động kết nối cung – cầu này rất khác so với các hoạt động của Techmart. Đầu tiên là khác về quy mô điều tra, khảo sát với quy mô lớn trên toàn quốc để xác định được nhu cầu của doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ ở nội dung nào. Sau đó, phải đi tìm kiếm đúng công nghệ theo yêu cầu của doanh nghiệp cả công nghệ trong và ngoài nước. Sau khi tìm kiếm xong phải cho hai bên ngồi lại với nhau.
Chúng tôi hỗ trợ các chuyên gia về pháp lý, công nghệ để có thể tư vấn cho bên mua hiểu sâu hơn về công nghệ trong quá trình đàm phán chuyển giao. Các chuyên gia pháp lý sẽ tư vấn cho doanh nghiệp về các hợp đồng chuyển giao công nghệ với nước ngoài như thế nào để giảm thiểu các rủi ro.
PV: Qua 5 năm triển khai hoạt động trình diễn, kết nối cung – cầu công nghệ, đến nay kết quả thu được như thế nào, thưa ông?
Ông Tạ Việt Dũng: Tính đến thời điểm này, sau 5 năm hoạt động, có hơn 800 hợp đồng chuyển giao công nghệ, với trị giá 1.420 tỷ đồng đã được ký kết và chuyển giao. Trong đó, có những công ty chuyển giao với giá trị rất lớn, như Công ty Vinaseed – một công ty liên quan đến các giống lúa. Qua các hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ mà chúng tôi tổ chức, Công ty Vinaseed đã chuyển giao được nhiều hợp đồng khác nhau, với trị giá khoảng 500 tỷ đồng./.
PV: Xin cảm ơn ông!./.