Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Kênh tiếp sức vốn hiệu quả
VOV.VN - Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị sản xuất kinh doanh do Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM chủ trì được đánh giá là kênh tiếp sức vốn hiệu quả. Nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp tiếp tục tăng, còn ngành ngân hàng sẽ có cơ chế linh hoạt để bơm vốn vào nền kinh tế.
Vay vốn để tăng tốc sản xuất cuối năm
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi chậm, lợi nhuận chưa cao, nên việc ngân hàng và doanh nghiệp “tìm đến nhau” với lãi suất cho vay hợp lý là kịp thời, nhất là giai đoạn tăng tốc sản xuất vào cuối năm.
Ông Lê Văn Thể - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Xây dựng và Kết cấu Hợp Phát cho biết, hiện tại đơn hàng của công ty tăng khoảng 20%-30% so với cùng kỳ năm trước nên Hợp Phát có nhu cầu vay thêm vốn. Cụ thể, công ty có nhu cầu vốn lưu động gần 30 tỷ đồng và muốn vay ngân hàng số tiền tương ứng với 40-50%. Tại buổi ký kết với ngân hàng trong chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, ông Thể đã ký vay vốn lưu động mức lãi suất 6% của ngân hàng ACB (thấp hơn nhiều so với lãi suất 9% mà công ty vay năm trước).
Ông Lê Văn Thể chia sẻ: Tham gia chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, tôi thấy thuận lợi cho sự phát triển của chúng tôi. Từ đó chúng tôi có thể tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý, tạo ra động lực cho sự phát triển của các doanh nghiệp".
Tương tự, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM cho biết, đến nay, Bidrico đạt mức tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm trước. Do hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định nên được ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận tín dụng, nhất là vốn lưu động để đáp ứng tăng tốc sản xuất cuối năm.
Với tư cách là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM, theo ông Nguyễn Đặng Hiến, các doanh nghiệp đang bước vào chu kỳ sản xuất hàng Tết và sẽ bắt đầu tung ra thị trường từ tháng 11. Bởi vậy, việc tham gia kết nối ngân hàng để có mức lãi suất phù hợp là cơ hội giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc cạnh tranh về giá các sản phẩm: "Tôi nghĩ là các doanh nghiệp nên tham gia vào các cơ hội tiếp cận với ngân hàng để nắm bắt được thông tin. Thời gian tới, cơ hội có vốn với lãi suất rẻ đến với các doanh nghiệp rất thuận lợi, đặc biệt là trong chu kỳ sản xuất hàng Tết sẽ càng thuận lợi hơn. Sau mỗi lần như vậy, chúng tôi nghĩ mình phải tìm thêm những cơ hội tốt hơn để tìm nguồn vốn cho công ty của mình trong việc sử dụng vốn lưu động hay đầu tư thêm tài sản cố định cho công ty".
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, tính trên địa bàn thành phố trong 9 tháng năm nay, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã thực hiện được với số tiền là 490.138 tỷ đồng cho 153.151 khách hàng (đạt 96,13% tổng số gói tín dụng các Tổ chức tín dụng đã đăng ký từ đầu năm).
Đa dạng cách làm để khơi thông nguồn vốn
Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, trong bối cảnh nhu cầu dòng vốn tăng cao, các doanh nghiệp trong ngành lương thực – thực phẩm đều được ngân hàng đáp ứng, chưa có hiện tượng ách tắc nguồn vốn. Hiện nay, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn ách tắc về hạch toán tài chính khiến ngân hàng khó xét duyệt cho vay.
Bà Lý Kim Chi đề xuất: Hỗ trợ doanh nghiệp thì chính sách của ngân hàng nên nhanh hơn. Tất nhiên doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng. Nhưng đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tốt thì ngân hàng nên có những điều kiện dễ hơn một phần khi xét duyệt cho vay vốn. Cách lựa chọn này nguồn vốn sẽ khơi thông tốt hơn.
Từ thực tế các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thời gian qua, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, Ngân hàng nhà nước luôn sẵn sàng cấp hạn mức tín dụng phù hợp, linh hoạt cho các ngân hàng thương mại có tốc độ tăng trưởng tốt để đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Thành phố sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp với từng nhóm ngành mang lại động lực tăng trưởng kinh tế như: doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời tiếp tục cải thiện hoạt động kinh doanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng vào cuối năm.
Ông Nguyễn Đức Lệnh nói: "Lãi suất đã thấp rồi, nhiều ngân hàng đã và đang nâng cao hiệu quả quản lý, tiết giảm chi phí đầu vào như rút ngắn thời gian giao dịch, giảm bớt chi phí quản lý… từ đó sẽ giảm lãi suất cho vay. Các hiệp hội doanh nghiệp đã phản ánh, doanh nghiệp đã mở rộng thị trường. Đây là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Khi dòng tiền được tạo lập, luân chuyển vốn hiệu quả thì mới thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế".
Ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 15%. Với sự hỗ trợ vay vốn từ chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp một cách thực chất, nhiều ý kiến cho rằng nguồn vốn sẽ phát huy tác dụng, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay.