Chuyển đổi công nghiệp xanh, giải pháp nào cho doanh nghiệp bản địa?
VOV.VN - Hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi theo hướng xanh hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường EU, Mỹ, Nhật... Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, các doanh nghiệp FDI tại TP.HCM đang chuyển đổi xanh nhanh và hiệu quả. Và một trong những giải pháp chuyển đổi là doanh nghiệp nội địa gắn với sản xuất của khối doanh nghiệp FDI.
Tham gia vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI
Thực tế, thời gian qua, việc phát triển khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP.HCM đã bộc lộ một số hạn chế như: hiệu quả đầu tư chưa cao, thâm dụng lao động phổ thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa hoàn thiện…
Là trung tâm công nghiệp lớn thứ ba của Việt Nam với 19 KCX, KCN, TP.HCM đang hình thành lộ trình để chuyển đổi các khu này theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh gắn với cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, hiện nhiều doanh nghiệp FDI tại Khu công nghệ cao TP.HCM chuyển đối công nghiệp rất tốt và họ cần doanh nghiệp nội địa cùng tham gia sản xuất.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp bản địa vẫn còn khá xa, cần có một giải pháp tác động trực tiếp để những doanh nghiệp mạnh về công nghiệp phụ trợ gắn liền với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI
"Chính sách hỗ trợ của nhà nước về công nghệ hỗ trợ tôi nghĩ đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn tiếp cận được rồi. Nhưng để doanh nghiệp vừa và nhỏ đến được những chính sách này thì cần chuẩn bị thủ tục và có thể tiếp cận sẽ chậm hơn. Chúng ta cần có một tổ chức tư vấn, hỗ trợ riêng cho nhóm doanh nghiệp này, với điều kiện chỉ hỗ trợ khi doanh nghiệp có những hợp tác với các doanh nghiệp FDI lớn hoặc là những tập đoàn lớn ở nước ngoài để cung cấp những sản phẩm công nghệ, phục vụ cho công nghệ cao", ông Trần Việt Anh nói.
Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2024, nhiều chuyên gia và nhà quản lý cũng nhận định, sau 50 năm phát triển, ngành công nghiệp của TP.HCM đã lạc hậu, còn dùng nhiều tài nguyên, thâm dụng lao động và giá trị gia tăng thấp.
Bà Trang Vân Nguyễn, Trưởng nhóm Đông Nam Á- Trung tâm Climateworks (thuộc Đại học Monash, Australia) cho rằng, việc chuyển đổi nền công nghiệp sang hướng công nghệ cao, hiện đại không chỉ là động lực mới giúp TP.HCM tránh tụt hậu mà đang trở thành vấn đề mang tính khẩn cấp khi vị thế trung tâm công nghiệp của TP đang giảm dần.
Đề án thí điểm chuyển đổi 5 khu chế xuất lâu đời thành các khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao hoặc dịch vụ logistics cho thấy việc chuyển đổi công nghiệp của TP.HCM đang đi đúng hướng.
Trung tâm Climateworks cũng có 4 định hướng chính, cụ thể như: tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nền kinh tế xanh; huy động vốn cho nền kinh tế xanh; phát triển cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường sức hấp dẫn của các quốc gia như Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài; củng cố hoạt động ngoại giao để tăng cường hợp tác phát triển giữa các quốc gia.
Bà Trang Vân Nguyễn nhận định, đến năm 2050, 50% lực lượng lao động trong nền kinh tế xanh sẽ tập trung tại Indonesia hoặc Việt Nam và TP.HCM luôn đóng vai trò quan trọng trong thu hút nhân tài quốc tế, nhằm đẩy mạnh sức hút của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài:
Hiện tại nhiều nhà đầu tư trên thế giới có xu hướng chuyển nguồn vốn đầu tư sang những nơi như TP.HCM. Khi mà TP này đang có nhiều chính sách thúc đẩy chuyển đổi các khu công nghiệp và giúp doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi xanh. Đặc biệt là vấn đề tạo điều kiện để nhà đầu tư đạt được những mục tiêu hướng đến Net zero trên toàn cầu, và điều này sẽ giúp TP.HCM trở thành điểm sáng đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Chuyển dịch cơ cấu khu công nghiệp và liên kết vùng
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, việc thu hẹp nhiều khu cụm công nghiệp, di dời doanh nghiệp lạc hậu có ý nghĩa quyết định khi TP cơ cấu lại quỹ đất phục vụ phát triển thu hút đầu tư công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chip, vi mạch, bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp xanh gắn chuyển đổi số…
Trong quá trình thực hiện, TP.HCM cần đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh, thành phát huy tính liên kết vùng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong quá trình dịch chuyển doanh nghiệp sang các khu công nghiệp khác với nhu cầu thực tế từ những địa phương vệ tinh của TP.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ chuyển đổi 5 KCN thế hệ cũ sang KCN sinh thái, KCN xanh là không thể chần chừ…
"Không nhanh thì nói thật nhiều doanh nghiệp giá trị gia tăng cao họ sẽ qua Malaysia, tỉnh Penang họ đang làm rất tập trung và thu hút rất nhiều nhà đầu tư. Hiện họ đang là đối thủ cạnh tranh nặng ký của TP.HCM. Nếu mình không quyết liệt làm thì nhà đầu tư công nghệ cao vi mạch bán dẫn… sẽ sang bên đó hết. Malaysia họ đã xây dựng được Trung tâm công nghiệp 4.0 trước, mình đi sau mà không làm chậm thì không còn cơ hội thu hút đầu tư", Ông Hòa cho biết thêm.
Trước áp lực kép từ việc duy trì tăng trưởng kinh tế, trong khi các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng khắt khe hơn khiến việc chuyển đổi công nghiệp ở TP.HCM theo hướng bền vững trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là việc chuyển đổi xanh, sinh thái đúng nghĩa cho 5 khu thế hệ cũ, gồm: KCX Tân Thuận, các KCN Cát Lái, Bình Chiểu, Tân Bình, Hiệp Phước. Do đó, doanh nghiệp tại TP.HCM phải lựa chọn việc đi hay ở để có kế hoạch phù hợp về tài chính, kế hoạch sản xuất đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới.