Chuyển đổi năng lượng sạch để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu
VOV.VN - Hiện nay, doanh nghiệp TP.HCM đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, trong đó dần chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP Quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng này.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, thời gian tới ở thị trường xuất khẩu như Châu Âu, Mỹ, Nhật yêu cầu xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chí xanh, trong đó có năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Để đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính, một số doanh nghiệp ở TP.HCM đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để sử dụng.
Hiện cả TP.HCM có hơn 14.000 hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà với tổng công suất gần 349,88 MWp, trong đó phần nhiều là doanh nghiệp. Theo tính toán, riêng các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp - Khu chế xuất TP.HCM nếu sử dụng điện mặt trời áp mái khi đạt công suất 1.000 MWp, sản lượng điện tiêu thụ sẽ giảm được 10-15% và giảm lượng CO2 rất lớn. Ngoài ra, các tấm pin mặt trời còn giúp giảm sự hấp thụ nhiệt xuống 38%.
Theo ông Trần Việt Hà - Phó trưởng ban quản lý Khu công nghiệp - Khu chế xuất TP.HCM (Hepza), Nghị định số 135 của Chính phủ đã tháo gỡ khó khăn về cơ chế mua bán điện, góp phần thúc đẩy việc phát triển nguồn năng lượng sạch này để phục vụ sản xuất, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp. Vì trước đây những quy định về việc này chưa rõ ràng nên doanh nghiệp lắp đặt hệ thống năng lượng điện mặt trời áp mái nhà chưa nhiều.
“Hiện nay, Nghị định 135 có những chính sách khuyến khích rất tốt cho những doanh nghiệp lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời này có công suất với 1.000 KW. Nghị định này cũng quy định cụ thể các thủ tục để doanh nghiệp lắp đặt hệ thống năng lượng này cũng rất đơn giản” - ông Trần Việt Hà nói.