Chuyển đổi sản xuất thông minh bền vững, doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu?
VOV.VN - Việc chuyển đổi sản xuất thông minh bền vững đã trở thành xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm hướng đi trong bối cảnh thiếu vốn, khó khăn công nghệ, thiếu thông tin và vướng thể chế.
Nguồn lực thiếu, thị trường biến động
Theo các chuyên gia, việc các khu công nghiệp, khu chế xuất chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp tích hợp thế hệ mới, ứng dụng công nghệ số, tích hợp khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, logistics, phát triển kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu.
Việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất thông minh bền vững đòi hỏi nguồn lực lớn, ổn định và có tính dài hạn. Trong khi đó, phần lớn các khu công nghiệp truyền thống hình thành từ những thập niên trước, đến nay hạ tầng lạc hậu, hiệu quả sử dụng đất thấp và thiếu liên kết công nghệ.

Ông Chế Văn Trung - Giám đốc Khu công nghiệp Cát Lái cho biết, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập các khu chế xuất, khu công nghiệp. Nhưng sau hơn 20 năm phát triển, nhiều nhà máy đã trở nên lỗi thời, hạ tầng cũ và không đủ điều kiện đầu tư công nghệ cao hay sản xuất xanh.
Các khu công nghiệp như Tân Bình, Cát Lái, Tân Thuận hay Linh Trung được quy hoạch lâu, phát triển đa ngành, không chuyên nên giá trị gia tăng thấp, thiếu dịch vụ xã hội, giao thông thiếu đồng bộ. Hiện nay, nhiều khu đã bị đô thị hoá bao quanh, khó có thể mở rộng hay thu hút doanh nghiệp quy mô lớn.
"Thời gian gần đây HEPZA tổ chức giao lưu các khu công nghiệp ở phía Bắc và các địa phương khác. Các chủ đầu tư khu công nghiệp ở TP.HCM nhận thấy rằng có lẽ trước đây các tỉnh vào TP.HCM học tập nhưng hiện nay Thành phố cần phải đi học tập ở các tỉnh, các địa phương khác. Khu công nghiệp phát triển sau có nhiều ưu điểm hơn khu nghiệp phát triển trước" - ông Trung cho biết thêm.

Ông Võ Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM cho rằng, mặc dù nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ tính cấp thiết của việc chuyển đổi nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Việc cải tiến máy móc, thiết bị công nghệ đòi hỏi nguồn vốn lớn và nhân lực chất lượng cao, trong khi không ít doanh nghiệp vẫn đang vận hành theo cách truyền thống.
"Vấn đề nguồn lực tài chính để thực hiện chuyển đổi gặp nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp đang vận hành hoạt động theo mô hình sản xuất thông thường. Do đó, tôi nghĩ phải có một cơ chế hỗ trợ về vấn đề tài chính cho doanh nghiệp có phương án chuyển đổi để thích nghi, để hội nhập." - ông Võ Văn Thân cho biết.
Từ năm 2026, các đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam đến từ châu Âu, châu Mỹ sẽ áp dụng thuế carbon biên giới (CBAM) khiến hàng hóa sử dụng công nghệ cũ, nhiều phát thải sẽ đối mặt với mức thuế cao hơn.
Ông Đặng Hải Dũng, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, các tiêu chuẩn xanh ngày càng nhiều, yêu cầu phức tạp hơn trong khi nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin chuẩn mực về cách đạt chứng nhận xanh hay quy trình truy vết carbon từ các cơ quan chỉ định của châu Âu.

Ngoài ra, để chứng minh, khai báo phát thải trên sản phẩm phù hợp với quy định kỹ thuật của các đối tác này, nhiều nhà máy sản xuất tại Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong công nghệ để truy vết carbon theo tiêu chí mới.
Bởi vậy, cần phải nâng cấp công nghệ quản lý bằng các phương tiện kỹ thuật và liên quan đến đo lường trong quá trình sản xuất, phát thải,….
Ông Đặng Hải Dũng cho hay: "Ở các thị trường quốc tế, họ chuyển đổi từ rào cản kỹ thuật thành rào cản thuế quan. Từ đó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia. Những nhà máy sản xuất mà công nghệ cũ sẽ phải gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành vì bị đánh thuế".
Cần cơ chế mới đồng bộ
Ông Võ Sơn Điền, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Bình Dương, cho biết nhiều quy định hiện hành còn chưa bám sát thực tiễn. Quy trình phê duyệt quy hoạch chi tiết hay cấp giấy phép xây dựng rườm rà, tốn thời gian và chi phí, khiến doanh nghiệp ngại đầu tư. Cùng với đó là quy định về khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu kinh tế mở còn nhiều điểm chưa rõ ràng.
"Hiện nay, có hàng trăm doanh nghiệp đang vướng không cấp phép xây dựng. Không phải họ làm sai, mà hồi xưa khi họ vô, khu công nghiệp đã có quy hoạch 1/5000, 1/2000, bây giờ lại yêu cầu người ta làm quy hoạch 1/500. Nếu đất nhỏ, thậm chí có 3.000 m² làm quy hoạch 1/500 rút gọn. Làm xong mất khoảng từ 3 tháng và khoảng 400 - 500 triệu đồng cho một khu đất ở 1-2 ha. Sau đó lại phải tiếp tục phải làm giấy phép xây dựng, mất thêm 3-6 tháng" - ông Võ Sơn Điền chia sẻ.

Ông Đặng Hải Dũng đề xuất Nhà nước xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Bởi lẽ, theo ông Dũng, tại các khu công nghiệp, vấn đề cộng sinh đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc tham gia chuỗi cung ứng, xử lý chất thải, kiểm toán, nguyên vật liệu. Theo ông Dũng, cần thêm thời gian để hoàn thiện thể chế: "Có thể những chính sách mà chúng ta vẫn đang áp dụng dù đang nỗ lực cải cách quy định thể chế, nhưng tôi nghĩ vẫn cần thời gian để loại bỏ hết những rào cản liên quan đến các quy định quản lý. Từ vấn đề quy hoạch, liên quan đến cấp phép xây dựng và các giấy phép trong quá trình đầu tư".
Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào các chuỗi giá trị toàn cầu và phải đối mặt với những đòi hỏi mới về phát thải ròng, hiệu quả tài nguyên và chuyển đổi xanh. Với xu thế tất yếu của nền công nghiệp hiện đại, các chuyên gia cho rằng, việc chuyển mình từ mô hình sản xuất truyền thống sang sản xuất thông minh gắn liền với các yếu tố bền vững về thông minh và quản trị là điều bắt buộc, vì đây là con đường duy nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.