Chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh" - Hướng phát triển bền vững của Quảng Ninh

VOV.VN - Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới kinh tế xanh bền vững là mục tiêu chiến lược của cả nước. Quảng Ninh là một trong những địa phương đạt kết quả nổi bật chuyển đổi từ "nâu" sang "xanh".

Ở chặng đường 2020-2025 và những năm tiếp theo, Quảng Ninh tiếp tục kiên trì quan điểm, định hướng này với những mục tiêu cao hơn.

"Những mảng nâu chờ xanh hóa"

Từ 10 năm về trước, để đến với Quảng Ninh, du khách thường mất khoảng 3 đến 4 giờ đi từ Hà Nội. Quốc lộ 18 xuyên suốt từ đầu đến cuối tỉnh dài chừng 300km được ví von là "con đường đau khổ". Ấn tượng của nhiều người về Vùng mỏ, đúng như cái tên, là những con đường ngập bụi khi nắng, hóa bùn nhão khi mưa. Nhiều khu vực ở Mạo Khê - Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả, ngay cả vùng ven của TP Hạ Long cũng không thoát khỏi cảnh nhà cửa, phố xá phủ một lớp màu đen đúa, nhếch nhác.

Du lịch Quảng Ninh gần như chỉ gắn liền với vịnh Hạ Long, và dịch vụ còn khá nghèo nàn, không tương xứng với vị thế của một Di sản, Kỳ quan thiên nhiên thế giới. "Không biết nên đi đâu, chơi gì ngoài thăm vịnh, tắm biển Bãi Cháy, xem cá heo Tuần Châu", nhiều du khách từng thốt lên như vậy.

Đó không chỉ là diện mạo, còn chiều sâu, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh từng khẳng định, đó chính là mâu thuẫn lớn giữa khai thác than, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng, đô thị hoá nhanh với phát triển du lịch, dịch vụ trên vùng một địa bàn. Tỷ trọng công nghiệp xấp xỉ 60% cơ cấu kinh tế, ngành than đóng góp lớn lớn cho tỉnh với số thu nội địa luôn chiếm hơn 60%. Tuy vậy, 240 mỏ và điểm quặng đã và đang được khai thác cũng kéo theo hàng trăm triệu tấn đất đá, nước thải ra môi trường.

Các trung tâm sản xuất nhiệt điện, xi măng, đóng tàu... tập trung bên bờ vịnh Hạ Long, Bái Tử Long tác động không nhỏ đến môi trường du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế biển đảo, nguồn lợi thủy hải sản...

Trong đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã nhấn mạnh "tăng trưởng kinh tế đảm bảo chỉ tiêu đề ra trên nền tảng phát triển bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng - an ninh vững chắc. Nâng cao chất lượng và tỷ trọng các ngành dịch vụ, nhất là du lịch; phát triển công nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường".

Năm 2014, Quảng Ninh công bố 7 quy hoạch chiến lược trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch có sự tham gia của các nhà tư vấn hàng đầu thế giới, ý kiến của nhiều chuyên gia, làm nền tảng để phát triển bền vững và phát huy các lợi thế nổi trội.

Kinh tế chuyển màu xanh

Trở lại Quảng Ninh trong vài năm gần đây, sự đổi thay của Vùng mỏ lại khiến du khách ngỡ ngàng. Dường như người ta đã quên mất hình ảnh bụi bặm ngày nào khi đi trên cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng thẳng tắp nối liền với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chỉ còn 1,5 giờ từ Thủ đô.

Tháo "nút thắt" hạ tầng giao thông liên vùng, Quảng Ninh mạnh dạn đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng cao tốc Hạ Long - Hải Phòng bằng cách chủ động huy động các nguồn vốn, hợp pháp, một việc làm chưa từng có tiền lệ. "Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", "1 đồng vốn ngân sách thu hút 8-9 đồng vốn ngoài ngân sách".

Năm 2018 đánh dấu sự thành công của chuỗi dự án hợp tác công - tư (PPP), khi tỉnh lần lượt khánh thành 3 dự án hơn 20.000 tỷ đồng: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên, Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt đầu tiên trong cả nước, tạo đột phá thay đổi diện mạo hạ tầng của địa phương này.

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group nhận định: "Từ Đảng bộ chính quyền đến nhân dân tỉnh Quảng Ninh họ rất đồng thuận trong tầm nhìn, thu hút các nhà đầu tư đến và tạo mọi điều kiện thuận lợi từ hạ tầng, cơ chế chính sách. Thậm chí họ rất năng động, chủ động trong việc làm việc với các Bộ ngành trung ương để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp".

Những dự án hàng nghìn tỷ đồng của những tên tuổi lớn trong nước và quốc tế liên tục về với Quảng Ninh, nâng tầm đẳng cấp du lịch như Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long, Công viên Sunworld, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC, Khu nghỉ dưỡng Yên Tử Legacy, Khu nghỉ dưỡng cao cấp suối khoáng nóng Quang Hanh... Quảng Ninh, Hạ Long trở thành điểm đến có uy tín cho các sự kiện cấp quốc gia, quốc tế.

Chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”, công nghiệp than cũng cải tiến mạnh mẽ bằng đẩy mạnh cơ giới hóa hầm lò, đổi mới công nghệ, tự động hóa, tin học hóa, nâng cao hiệu quả khai thác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dần hình thành các “mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ ít người”.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, một trong những điểm nhấn nhiệm kỳ qua là thực hiện hiệu quả định hướng phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong đó, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên (vừa thành lập) là những mũi đột phá năng động, hình thành đô thị xanh, hiện đại, thông minh trong tương lai.

Tín hiệu vui của Quảng Ninh là sự xuất hiện ngày càng nhiều của những dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sạch, xây dựng hạ tầng dịch vụ, cảng biển, logistics... từ các nhà đầu tư lớn.

Năm 2020 "gặt hái" những "trái ngọt" đầu tiên trong hành trình chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững của địa phương ở cực Đông Bắc Tổ quốc. Đến cuối năm 2020, Quảng Ninh duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định so với bình quân chung của cả nước, bình quân 5 năm tăng 10,7%.

Cơ cấu kinh tế từ 2015-2020, khu vực dịch vụ tăng từ 43,1% lên 44,6%; công nghiệp - xây dựng duy trì ổn định ở mức khoảng 49%; nông, lâm, thủy sản giảm từ 7,7% xuống 5,9%. Du lịch, dịch vụ ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tổng số khách 5 năm ước đạt 55 triệu lượt, tăng 1,7%/năm, trong đó khách quốc tế đạt 19,3 triệu lượt; doanh thu du lịch tăng 11,9%/năm.

Trong cuộc làm việc với tỉnh Quảng Ninh tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Quảng Ninh gần đây cho thấy có sự đóng góp lớn không chỉ bởi "vàng đen" mà đặc biệt là "vàng xanh", đó là tiềm năng du lịch, các bờ biển xanh, sạch, nổi tiếng của đất nước Việt Nam. Quảng Ninh giờ đây là hình mẫu chuyển đổi mô hình kinh tế thành công từ "đen" sang "xanh".

Và ở đây "xanh" và "đen" cũng như 1.600 km2 đất đai ở đây tiếp tục đóng góp phát triển đất nước thời gian tới. Than tiếp tục làm bằng công nghệ mới, bảo vệ môi trường chứ không phải từ "đen" sang "xanh" mà chúng ta bỏ ngành than, mang lại nguồn lợi lớn của đất nước. Sự thành công kết hợp toàn diện ấy, đặc biệt phát triển xanh, "vàng xanh" cùng "vàng đen" và công nghệ, quản lý tốt môi trường, là cảm hứng mạnh mẽ cho địa phương khác trong cả nước"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hội nghị Kinh tế Xanh bền vững 2018 với kỷ lục 18.000 đại biểu dự
Hội nghị Kinh tế Xanh bền vững 2018 với kỷ lục 18.000 đại biểu dự

VOV.VN - Hội nghị Kinh tế Xanh bền vững (SBEC) diễn ra tại Nairobi, Kenya từ ngày 26 - 28/11/2016. 

Hội nghị Kinh tế Xanh bền vững 2018 với kỷ lục 18.000 đại biểu dự

Hội nghị Kinh tế Xanh bền vững 2018 với kỷ lục 18.000 đại biểu dự

VOV.VN - Hội nghị Kinh tế Xanh bền vững (SBEC) diễn ra tại Nairobi, Kenya từ ngày 26 - 28/11/2016. 

Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cần đột phá về tăng trưởng xanh
Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cần đột phá về tăng trưởng xanh

VOV.VN -Thủ tướng: Mục tiêu phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ là đi đầu trong khoa học công nghệ, coi đổi mới sáng tạo là trọng điểm trong phát triển

Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cần đột phá về tăng trưởng xanh

Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cần đột phá về tăng trưởng xanh

VOV.VN -Thủ tướng: Mục tiêu phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ là đi đầu trong khoa học công nghệ, coi đổi mới sáng tạo là trọng điểm trong phát triển

Phát triển kinh tế biển xanh để giàu từ biển
Phát triển kinh tế biển xanh để giàu từ biển

VOV.VN - Theo PGS Nguyễn Chu Hồi, Việt Nam cần ưu tiên phát triển kinh tế biển theo hướng phát triển kinh tế biển xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển kinh tế biển xanh để giàu từ biển

Phát triển kinh tế biển xanh để giàu từ biển

VOV.VN - Theo PGS Nguyễn Chu Hồi, Việt Nam cần ưu tiên phát triển kinh tế biển theo hướng phát triển kinh tế biển xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.