Chuyên gia hiến kế đẩy lùi biến tướng của vay ngang hàng

VOV.VN - Khi tiếp cận các dịch vụ P2P, người vay cần cân nhắc trước khi vay. Bởi vay ngang hàng với lãi suất cao sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. 

Cho vay ngang hàng (P2P Lending) là mô hình kinh doanh mới, dịch vụ sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua trung gian tài chính. 

Về bản chất, P2P Lending đã và đang góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt là tại các địa bàn mà hệ thống tài chính chưa phát triển, người dân, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa ít có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng với chi phí thấp, ít thủ tục.

Đến nay, tỷ lệ tăng trưởng của cho vay P2P tại Việt Nam đã đạt 35-50%. Lý do khiến P2P phát triển mạnh là do nhu cầu vay mượn tiền của người dân rất lớn, trong khi việc tiếp cận vốn tín dụng tại các Ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn về thủ tục thẩm định, hỗ trợ cho vay đối với khoản tiền thấp từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. 

Vay ngang hàng đang bị biến tướng với những hệ lụy khó lường. (Ảnh minh họa: KT)

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện, cả nước có khoảng 40 công ty P2P đang hoạt động. Trong đó, 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc và một số công ty đến từ Indonesia và Singapore. Có thể nói, sự phát triển của dịch vụ này đã tạo ra sức bật lớn để hỗ trợ người tiêu dùng trong việc tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận tiện khi có nhu cầu.

Bên cạnh những tiện ích của P2P, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo những mặt trái của dịch vụ cho vay này. Bởi thời gian qua, trong quá trình hoạt động, một số công ty P2P đã biến tướng thành đơn vị huy động vốn đa cấp để lừa đảo, cho vay với lãi suất lên tới 700%/năm... Ngoài ra, thay vì làm trung gian kết nối thông tin, một số công ty P2P đã huy động tài chính đa cấp để lừa đảo, chiếm dụng vốn; huy động vốn để cho vay tràn lan, phát sinh nợ xấu, mất khả năng thanh toán và thực hiện chức năng thanh toán trung gian bất hợp pháp nhằm chiếm dụng vốn. Điều này vi phạm pháp luật nghiêm trọng về ngân hàng và tín dụng.

Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín chia sẻ, qua tìm hiểu trực tiếp hoạt động các công ty P2P của những doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thì thấy, gần như các thông tin cá nhân, người thân của người vay với hình thức P2P đều được thu thập quản lý.

Tới kỳ hạn trả tiền, nếu khách hàng chưa trả nợ và không liên lạc được, họ sẽ liên tục gọi điện thoại cho người thân, thậm chí tìm tới nơi để đòi nợ. Hoạt động thu hồi nợ như vậy vượt quá khuôn khổ pháp luật cho phép. Thời gian qua, cơ quan nhà nước đã vào cuộc, nhưng do hoạt động cho vay ngang hàng chưa có hành lang pháp lý nên vẫn chưa xử lý được tình trạng này.

Cũng theo ông Tín, hoạt động P2P hiện nay được điều chỉnh theo pháp luật dân sự. Hợp đồng vay vốn được xem là hợp đồng giao dịch dân sự giữa 2 bên. Song, các điều khoản trong hợp đồng về cơ bản chưa đáp ứng được chuẩn mực tối thiểu của các hợp đồng dân sự hiện nay.

Trong khi đó, vấn đề lãi suất của hoạt động P2P vẫn chưa được NHNN quản lý theo đúng chuẩn mực như đối với các tổ chức tín dụng. Do chưa có hành lang pháp lý, chưa có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng chuyên ngành, nên hậu cho vay xảy ra nhiều rủi ro như: người đi vay gặp rắc rối trong vấn đề thu hồi nợ khi bên thu hồi nợ chưa tuân thủ theo pháp luật chuyên ngành. 

TS.LS Bùi Quang Tín-CEO Trường Doanh nhân Bizlight.

TS. Tín cho rằng, Việt Nam cần sớm có hành lang pháp lý để quản lý việc cho vay ngang hàng. 

“Việt Nam có thể áp dụng 3 bước trong kinh nghiệm của Singapore. Bước thứ nhất, lựa chọn những doanh nghiệp triển vọng áp dụng những mô hình hoặc sản phẩm dịch vụ phục vụ người dân. Bước thứ hai, sau khi lựa chọn được những sản phẩm dịch vụ tốt, các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, cơ quan quản lý sẽ đưa ra khuôn khổ pháp lý thử nghiệm, những quy định vừa hỗ trợ fintech phát triển, vừa đáp ứng chuẩn mực tương đối của pháp luật Việt Nam. Bước cuối cùng, sau khi các doanh nghiệp đáp ứng chuẩn mực tương đối của pháp luật, cơ quan chức năng triển khai rộng rãi trên thị trường những sản phẩm kết quả giúp ích cho người dân, mang lại an toàn cho hệ thống tài chính, ngân hàng tại Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín hiến kế.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, việc cho vay ngang hàng đã và đang gây nhiều rủi ro, hệ lụy, ảnh hưởng đến sự an toàn của xã hội thì cần có hành lang pháp lý, để phân biệt rõ giữa những việc làm được phép và không được phép. Cùng với đó, cần sửa luật doanh nghiệp để ban hành ngành nghề kinh doanh theo danh mục 243 hiện nay, tiếp đó, Chính phủ cần cụ thể hóa chi tiết điều kiện kinh doanh, đồng thời, nghiên cứu xem xét, nhận diện xem hành vi đó như thế nào, điều chỉnh hành lang pháp lý ra sao… 

“Đối với người cho vay, khi giải ngân không được quá 100% vì trên 100% mà lại có các dấu hiệu khác như, thu lời trên 30 triệu đồng thì sẽ có nguy cơ bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự. Với người đi vay, khi tiếp cận các hình thức vay trực tuyến, cần lưu ý, xem xét chủ thể nào cho vay, các cam kết trên hợp đồng, thỏa thuận cụ thể về lãi suất, thời gian vay, lãi suất phạt, lãi suất phạt quá hạn để tránh những rủi ro về sau.

Bên cạnh đó, người vay cũng cần cân nhắc trước khi vay, bởi vay ngang hàng với lãi suất cao như vậy sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường như không có khả năng trả nợ sẽ tạo sức ép đòi nợ lên các đối tượng cho vay. Việc đòi nợ một cách bất hợp pháp mang dấu hiệu tín dụng đen sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người đi vay. ”, luật sư Trương Thanh Đức đưa ra lời khuyên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngân hàng Nhà nước: Nguy cơ mất tiền khi cho vay ngang hàng
Ngân hàng Nhà nước: Nguy cơ mất tiền khi cho vay ngang hàng

VOV.VN -NHNN khuyến cáo người dân, doanh nghiệp nên tìm hiểu kĩ thông tin, thận trọng khi tham gia dịch vụ cho vay ngang hàng.

Ngân hàng Nhà nước: Nguy cơ mất tiền khi cho vay ngang hàng

Ngân hàng Nhà nước: Nguy cơ mất tiền khi cho vay ngang hàng

VOV.VN -NHNN khuyến cáo người dân, doanh nghiệp nên tìm hiểu kĩ thông tin, thận trọng khi tham gia dịch vụ cho vay ngang hàng.

Cần có khung pháp lý điều chỉnh mô hình cho vay ngang hàng
Cần có khung pháp lý điều chỉnh mô hình cho vay ngang hàng

VOV.VN - Mô hình cho vay ngang hàng (Peer to Peer - P2P) ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho vay P2P tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.

Cần có khung pháp lý điều chỉnh mô hình cho vay ngang hàng

Cần có khung pháp lý điều chỉnh mô hình cho vay ngang hàng

VOV.VN - Mô hình cho vay ngang hàng (Peer to Peer - P2P) ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho vay P2P tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.