Chuyên gia Nga: Kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định
VOV.VN -Trong 9 tháng đầu năm 2014, GDP của Việt Nam tăng 5,6%, lạm phát dưới mức 5%. Chỉ số mua hàng PMI trong 13 tháng luôn giữ mức trên 50 điểm.
Ngày 5/11, trang web của tạp chí uy tín "Tổng quan Đông phương mới" đăng bài viết có nhan đề "Việt Nam: Tình hình kinh tế năm 2014" của Giáo sư, TSKH Dmitri Mosyakov - lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại dương thuộc Viện Đông phương - Viện Hàn lâm Khoa học Nga đánh giá về nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2014. Phóng viên VOV thường trú tại Nga tóm lược một số nội dung chính của bài viết này như sau:
Theo Giáo sư Dmitri Mosyakov, hiện nay có rất nhiều thông tin về sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên ở phương Đông, nhiều nước (trong đó bao gồm Việt Nam) có quan hệ tốt đẹp với Nga và cùng có lợi ích chung trong mối quan hệ đó. Việt Nam-một người bạn cũ thân thiết và cũng là đối tác chiến lược của Nga, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác quân sự, khai thác dầu khí, năng lượng nguyên tử, du lịch, thương mại... Vậy tình hình kinh tế của Việt Nam hiện nay như thế nào?
Nhìn chung, có thể nói rằng nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển ổn định. Trong 9 tháng đầu năm 2014, GDP của Việt Nam tăng 5,6%, lạm phát dưới mức 5%. Chỉ số mua hàng PMI trong 13 tháng luôn giữ mức trên 50 điểm. Trong xuất khẩu đạt được tăng trưởng tích cực. Kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đạt 109,63 tỷ USD, cao hơn 14,2% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó xuất siêu đạt 2,47 tỷ USD.
Tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay rất thuận lợi cho các nhà đầu tư. Theo đó, Phòng thương mại Mỹ ở Singapore đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước hấp dẫn nhất trong khối ASEAN. Còn hãng xếp hạng nổi tiếng Fitch Ratings mới đây cũng tuyên bố dự định nâng xếp hạng Việt Nam từ mức B+ lên mức BB- do xu hướng tăng trưởng kinh tế bền vững của nước này.
Bên cạnh đó, cũng cần nhìn nhận rằng cũng như các nền kinh tế đang phát triển khác ở châu Á, nền kinh tế của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp thiết. Các chuyên gia kinh tế Việt Nam cảnh báo tình trạng nguy hiểm do nền kinh tế quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hiện đang chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Một vấn đề khác là nhu cầu trong thị trường nội địa thấp, giảm 1,5% so với năm ngoái. Số lượng các doanh nghiệp tuyên bố phá sản rất cao.
Chỉ trong 9 tháng đã có gần 50.000 doanh nghiệp giải tán, cao hơn cả số lượng của năm 2013. Khối lượng nợ quá hạn của các chủ thể kinh tế tại Việt Nam còn cao. Tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn nhà nước diễn ra chậm. Trong 8 tháng đầu năm 2014 mới chỉ cổ phần hóa được 55 doanh nghiệp trong tổng số 432 doanh nghiệp phải cổ phần hóa đến năm 2015.
Có thể thấy rằng, tất cả các vấn đề trên sẽ gây ra những khó khăn nhất định trong phát triển kinh tế của Việt Nam, song nhìn chung tác động của các nhân tố này hoàn toàn không quá tiêu cực đối với việc đẩy nhanh phát triển kinh tế của Việt Nam. Các chỉ số kinh tế quan trọng của nền kinh tế Việt Nam rất khả quan, do đó gần như các hãng xếp hạng tín nhiệm lớn của thế giới đều đưa ra dự báo nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 sẽ tăng trưởng từ 5,4-5,6% và ở mức 6-7% trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Việt Nam không phải là nước Đông Nam Á duy nhất hiện nay có được các kết quả tích cực như trên. Các nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia trong năm 2014 đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Hợp tác với các quốc gia này không chỉ có thể giảm thiểu các hậu quả tiêu cực do các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga, mà còn tạo cho nước Nga xung lực mới để phát triển./.