Chuyên gia Nhật Bản "hiến kế" giúp Việt Nam thu hút mạnh hơn dòng vốn ngoại
VOV.VN - Cố vấn trưởng của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), ông Kojima Kazunobu cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản, đang dành rất nhiều sự quan tâm cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Kojima Kazunobu - Cố vấn trưởng của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đánh giá cao những nỗ lực cải cách thể chế, hoàn thiện pháp lý đối với thị trường chứng khoán (TTCK) của cơ quan quản lý Việt Nam để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Nếu các điều kiện được đáp ứng, các nhà đầu tư Nhật Bản có thể đầu tư vào các cổ phiếu hấp dẫn, mới niêm yết ngay từ giai đoạn IPO, làm gia tăng đáng kể cơ hội đầu tư của họ vào TTCK Việt Nam.
Cố vấn trưởng của JICA cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản, có khả năng đang dành rất nhiều sự quan tâm cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu các công ty lớn và các công ty mới nổi có sức hút đầu tư tiến hành huy động vốn qua IPO và niêm yết, một lượng lớn vốn nước ngoài sẽ chảy vào. Nhưng trong những năm gần đây, lượng công ty thực hiện IPO và niêm yết mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất hạn chế.
Ngoài ra, cơ hội tốt nhất để nhà đầu tư nước ngoài đầu tư chứng khoán tại Việt Nam là tham gia IPO, nhưng quy trình IPO qua đấu giá hiện nay khiến họ khó tham gia. Về vấn đề này, hy vọng một phương thức IPO mới, tương thích với các chuẩn mực quốc tế như bảo lãnh phát hành/dựng sổ sẽ sớm được thiết lập.
Ưu tiên tiêu chí "xanh" trong quyết định đầu tư
Ông Kojima Kazunobu đánh giá, các cấp quản lý của Việt Nam đang tích cực thực hiện các biện pháp như bãi bỏ quy định nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ tiền khi đặt lệnh nhằm hướng đến mục tiêu nâng hạng vào năm 2025. Đồng thời, Việt Nam đang tham gia đối thoại với MSCI và FTSE cũng như vận động tại Singapore và Nhật Bản.
"Tôi hy vọng rằng các cấp quản lý của Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp giải quyết những vấn đề đã đặt ra thông qua đối thoại với MSCI và FTSE và hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng của chính phủ vào năm 2025", ông Kojima Kazunobu nói.
Theo chuyên gia này, thị trường chứng khoán xanh hình thành bằng nguồn tiền của những nhà đầu tư ưu tiên tiêu chí "xanh" trong quyết định đầu tư. Những nhà đầu tư như vậy sẽ yêu cầu công bố thông tin theo các chuẩn mực do những sáng kiến quốc tế như TCFD đặt ra, vì vậy tôi nghĩ Việt Nam cần có quy định về công bố thông tin để đảm bảo việc công bố thông tin đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Yêu cầu công bố theo các chuẩn mực quốc tế như vậy cũng thay đổi theo môi trường, do đó cần có một cơ chế với khả năng phản ứng linh hoạt.
Đưa thị trường chứng Việt Nam thăng hạng
Ông Kojima Kazunobu cho rằng, thành quả lớn nhất trong mục tiêu của hai dự án SSC-JICA (dự án trước từ 2019 đến 2023 và dự án mới hiện nay) là góp phần đưa thị trường Việt Nam nâng hạng thành "thị trường mới nổi" và hội nhập với thị trường vốn quốc tế.
"Hướng tới năm 2030, tôi nghĩ thành tựu to lớn tiếp theo sẽ là thúc đẩy thành công các mục tiêu "tăng cường thị trường sơ cấp theo các chuẩn mực về thị trường vốn cổ phần quốc tế" và "sử dụng các tổ chức tự quản hiệu quả" như nội dung khuyến nghị trong dự án trước", ông Kojima Kazunobu nêu rõ.
Dự án này có ba mảng hoạt động chính: Đầu tiên là “tăng cường năng lực giám sát thị trường” nhằm giúp các cơ quan chứng khoán và sở giao dịch tăng cường phát hiện, quản lý và ngăn ngừa các giao dịch không công bằng.
Hai là “cải thiện và phát triển chất lượng các định chế trung gian thị trường”. Các định chế trung gian thị trường bao gồm các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ.
Ba là “cải thiện năng lực quản lý chào bán ra công chúng và niêm yết”. Bao gồm chào bán ra công chúng bằng các phương thức theo chuẩn quốc tế (bảo lãnh phát hành/dựng sổ), tăng cường tiêu chuẩn niêm yết và hoạt động kiểm tra, tăng cường công bố thông tin, bao gồm cả thông tin phi tài chính của các công ty đã niêm yết...