Chuyên gia nói gì về việc giá gas tăng vọt?

VOV.VN - Trong một thời gian nhất định nên giảm thuế nhập khẩu về 0% để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Người tiêu dùng đang “sốc” với giá gas. Thay vì điều chỉnh nhỏ giọt như những lần trước, lần này giá gas “nhảy” vọt lên 80.000 đồng/bình 12 kg. Nhiều đại lý, cửa hàng tăng giá bán ra tới tay người tiêu dùng có khi cao hơn mức này.

VOV trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hiệp hội thẩm định giá về việc định giá gas, quản lý thị trường gas hiện nay.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hiệp hội thẩm định giá 

PV: Thưa ông, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nói giá gas trong nước phụ thuộc nhập khẩu là không thuyết phục vì hiện gas sản xuất trong nước đáp ứng được khoảng 40-50% nhu cầu. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Việt Nam đang phải nhập gas đến hơn 50%, giá này là giá thế giới và đương nhiên có tác động vào giá trong nước. 

Gas sản xuất trong nước là sản phẩm từ các mỏ dầu, nhất là hai mỏ lớn là Dinh Cố và Dung Quất. Đấy là sản phẩm thứ hai của các mỏ dầu. Các mỏ này có liên doanh với nước ngoài hoặc là đầu tư nước ngoài nên tín hiệu này phải theo tín hiệu giá thế giới.

Nghị định 107/2009 xác định giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Cơ chế giá thị trường thì phải theo tín hiệu không chỉ trong nước mà cả thế giới. Bối cảnh sản xuất gas trong nước là liên doanh với nước ngoài.

Ngoài ra, có những DN nhập khẩu, có DN đấu thầu gas ở trong nước. Nếu bây giờ tính giá bình quân, hài hòa giữa 50% sản xuất trong nước với gas nhập khẩu rồi chia bình quân để tìm một mức giá thì DN nhập khẩu hoàn toàn bị lỗ, không đảm bảo nhu cầu.

DN trong nước theo tín hiệu thế giới thì phải tính toán theo tín hiệu thị trường, và biện pháp điều tiết của Nhà nước (thuế TNDN, các loại thuế khác...).

Để có giá hợp lý thì đầu tiên phải đảm bảo đủ nguồn cung cấp, thứ hai giá cạnh tranh. Phải tạo điều kiện để DN vươn ra nhập khẩu, tìm bạn hàng tốt nhất, thời gian nhập khẩu hợp lý nhất cộng với mạng lưới đại lý thuận tiện thì sẽ tạo ra giá cạnh tranh.

Việc tính bình quân gas nhập khẩu và gas sản xuất trong nước chỉ khi chúng ta có 1 DN duy nhất làm cả hai công việc này để tìm ra một loại giá.

PV: Thưa ông, nhiều người cho rằng, các DN kinh doanh gas đã găm hàng chờ tăng giá?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Hiện tại cần rà soát lại việc các DN chưa ký hợp đồng nhập khẩu, chưa nhập khẩu theo giá mới mà vẫn còn sản lượng cũ nhưng bán theo giá mới để đón đầu. Cần qui định cụ thể, chặt chẽ hơn để giảm bất lợi đối với người tiêu dùng khi mà thực tế lượng nhập về chưa theo giá mới mà tổ chức Gas thế giới công bố.

Việc DN có găm hàng hay không phải có kiểm tra mới công bố được chứ không thể nói theo dư luận. Từ việc giá nhập khẩu gas tăng hơn 200 USD/tấn cộng với các chi phí khác thì mức tăng giá là phù hợp.

PV: Vậy trong lúc giá gas tăng vọt như hiện nay theo ông có nên áp dụng giải pháp thuế?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Gas đã được xác định là mặt hàng bình ổn giá. Luật giá qui định các biện pháp bình ổn giá khi giá biến động bất thường, trong đó có biện pháp sử dụng các công cụ tài chính, tiền tệ. Do vậy, trong bối cảnh giá thế giới tăng cao, việc xem xét giảm thuế nhập khẩu ở một thời gian nhất định là điều cần thiết và phù hợp qui định pháp luật nhằm hạn chế mức giá tăng giá quá cao, chia sẻ với người tiêu dùng, góp phần giảm tác động dây chuyền tới các ngành có sử dụng đến gas, tránh việc đẩy giá thành mặt hàng khác liên quan đến việc sử dụng gas tăng cao. Đây là việc nên làm trong bối cảnh giá biến động.

PV: Với mức tăng như hiện nay thì thuế suất nên giảm mức nào là hợp lý, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Trong bối cảnh giá thế giới tăng cao, trong thời hạn nhất định nên giảm về 0% để hỗ trợ, chia sẻ với người tiêu dùng.

Quan trọng hơn, bên cạnh giải pháp thuế thì cũng có hai việc quan trọng phải làm. Một là các cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm tra yếu tố hình thành giá của các DN này xem việc họ tính toán giá có hợp lý không. Cần thiết, trong bối cảnh nhất định, Luật giá qui định, có thể áp dụng giá tối đa có thời hạn nhất định đối với các DN này.

Thứ hai, các DN kinh doanh gas cũng phải có trách nhiệm xã hội, đối với người tiêu dùng. Tức là, bản thân mình cũng phải rà soát lại các chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí hoa hồng cho đại lý của mình... để xem xét cái nào không hợp lý thì triết giảm.

Điều quan trọng nữa, các DN có trách nhiệm quản lý giá cả, chất lượng của toàn hệ thống của mình, kể cả khâu quản lý, bán lẻ... Bây giờ không kiểm tra, kiểm soát để khâu đại lý cuối cùng bán theo giá họ muốn thì cũng không được. Nghị định 107/2009 đã qui định việc DN phải có trách nhiệm cuối cùng chứ không thể thả được.

PV: Việc quản lý sản phẩm tới tay người tiêu dùng cũng đang có vấn đề về giá cả, chất lượng, trọng lượng... Để giải quyết tình trạng này, theo ông, cần phải làm gì?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Pháp luật qui định giá phải gắn với chất lượng. Nhưng đúng là thị trường gas hiện nay mặc dù đã có qui định của pháp luật nhưng việc quản lý kinh doanh gas đang có bất cập, nổi rõ nhất là gian lận thương mại trong kinh doanh gas diễn ra thường xuyên. Ví dụ, sang chiết lậu, trái phép, gas giả, gas nhái, ăn bớt thời gian sử dụng, khối lượng... đều ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Suy cho cùng nó biến tướng, đẩy giá lên cao.  Ví dụ, bình 12kg nhưng khối lượng không đủ thì nó sẽ đẩy giá lên.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng có vấn đề về công tác tổ chức thị trường gas của mình còn bất cập dẫn đến những cạnh tranh không lành mạnh mà chưa bị xử lý quyết liệt. Bên cạnh đó, có kẽ hở trong quản lý. Ví dụ, qui định nhiều cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý thị trường này nhưng qui định trách nhiệm của mỗi cơ quan còn có chồng chéo; rồi phối hợp giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ còn thiếu hiệu quả... Tuy là một ngành kinh doanh có điều kiện nhưng việc cấp phép hiện cũng quá dễ hoặc sau cấp phép lại thiếu kiểm tra, kiểm soát điều kiện kinh doanh thực tế từ các đại lý đến các DN.

Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan chủ trì việc này phải cùng nhau rà soát lại các điều kiện kinh doanh của thị trường gas và có thể là xem xét, bổ sung một số điều kiện nhất định trong kinh doanh gas. Việc đăng ký kinh doanh  gas phải chặt chẽ hơn. Đặc biệt, chế tài với kinh doanh mặt hàng này mạnh hơn và việc kiểm tra, kiểm soát phải thường xuyên hơn. Nếu không, thị trường này cũng vẫn sẽ tiếp tục diễn ra những bất cập khó quản lý. Vì kinh doanh, đặc biệt là sang chiết lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ... đang tiếp cận thường xuyên với người tiêu dùng mà lợi nhuận lại rất cao. Không có chế tài mạnh hơn thì thị trường này vẫn sẽ lộn xộn, khó quản lý.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên