Chuyên gia WB khuyên Việt Nam nên bỏ con dấu doanh nghiệp
Chuyên gia về môi trường kinh doanh của WB: “Các lập luận ủng hộ việc sử dụng con dấu công ty không còn phù hợp trong thế giới hiện đại".
Chuyên gia về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) ông Jean Michel Lobet khuyên Việt Nam không nên quá cứng nhắc khi yêu cầu giữ con dấu doanh nghiệp là thủ tục pháp lý bắt buộc trong các văn bản giao dịch.
“Các lập luận ủng hộ việc sử dụng con dấu công ty không còn phù hợp trong thế giới hiện đại. Ngày càng có nhiều nền kinh tế cho phép sử dụng chữ ký điện tử hoặc chữ ký số, khiến cho việc sử dụng con dấu công ty ngày càng trở nên lỗi thời”, ông nói tại hội thảo “Con dấu của doanh nghiệp tại Việt Nam – sự cải tổ cần thiết” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 9/10.
Ông cho biết, theo báo cáo Doing Business của WB, mà ông là một trong các tác giả, chỉ có 79/189 quốc gia là còn yêu cầu con dấu công ty phải có trong các hoạt động kinh doanh.
Theo báo cáo Doing Business 2014 của WB, một doanh nghiệp Việt Nam phải mất 7 ngày để lấy được con dấu, chiếm thời gian đáng kể trong tổng số 34 ngày cho các thủ tục khởi nghiệp.
Ông nói: “Con dấu từng là biểu tượng của niềm tin, an toàn, nhưng con dấu hiện nay không còn mang lại lợi ích gì do tiến bộ của công nghệ.”
Ông Lobet của WB khuyên Việt Nam bỏ con dấu.
Tại hội thảo, phần lớn giới luật sự và doanh nghiệp đều ủng hộ việc bỏ con dấu.
Câu chuyện bỏ hay giữ con dấu doanh nghiệp trong các văn bản giao dịch đang là chủ đề gây tranh cãi ở Việt Nam, khi Luật Doanh nghiệp sửa đổi chuẩn bị trình ra kỳ họp thứ 8 của Quốc hội dự kiến khai mạc vào cuối tháng 10.
Trong Văn bản số 370/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp và thủ tục tục đầu tư mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi quy định về quản lý con dấu theo hướng cho phép doanh nghiệp chủ động tự khắc dấu, thông báo sử dụng con dấu, tiến tới thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại muốn giữ nguyên con dấu trong một bản báo cáo giám sát gần đây về Luật Doanh nghiệp./.