Chuyện hai nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Việt Nam
(VOV) - Tạp chí uy tín Forbes của Mỹ vừa công bố là 2 trong số 50 nữ doanh nhân có thành tích xuất sắc nhất khu vực châu Á năm 2013.
Tổng Giám đốc Vinamilk - Mai Kiều Liên và Chủ tịch Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang - Phạm Thị Việt Nga là hai nữ doanh nhân Việt Nam vừa vinh dự được Tạp chí uy tín Forbes của Mỹ vừa công bố là 2 trong số 50 nữ doanh nhân có thành tích xuất sắc nhất khu vực châu Á năm 2013.
Nữ doanh nhân với quan điểm “kỹ trị”
Theo Forbes, Bà Mai Kiều Liên đang đưa công ty Vinamilk tiến ra thị trường quốc tế, với sản phẩm hiện đã được xuất khẩu tới 23 quốc gia. Là một trong những thương hiệu có khả năng sinh lợi tốt nhất tại Việt Nam và là một cổ phiếu blue-chip tại thị trường chứng khoán trong nước, Vinamilk đã duy trì sự tăng trưởng liên tục cả về doanh thu và lợi nhuận kể từ khi được niêm yết vào năm 2006.
Bất chấp một năm khó khăn đối với hầu hết các công ty ở Việt Nam, Vinamilk đã đạt mức tăng trưởng doanh thu 23% trong năm 2013, với doanh thu lên tới 1,3 tỷ USD. Lợi nhuận ròng của công ty tăng gần 40% lên mức 280 triệu USD.
Sinh ngày 1/9/1953 tại Paris (Pháp), bà Mai Kiều Liên - 59 tuổi, tốt nghiệp Đại học về chế biến thịt và sữa tại Moscow (Nga). Bà gia nhập vào Vinamilk ở vị trí của một kỹ sư phụ trách Khối sản xuất sữa đặc và sữa chua Nhà máy sữa Trường Thọ, Công ty Sữa – Cà phê Miền Nam (tiền thân của Công ty Sữa Việt Nam).
Năm 1983, bà học khoa quản lý kinh tế của trường Đại học Kinh tế Leningrad (Nga), năm 1984 bà được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc Cty sữa Việt Nam rồi và giữ vị trí Tổng Giám đốc từ năm 1992 đến nay.
Sau 37 năm gắn bó với Vinamilk, hơn 20 năm ở cương vị người đứng đầu, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam đã đưa Vinamilk trở thành một thương hiệu lớn, lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp xuất sắc nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình dương từ năm 2010 và đang hiện thực hóa tham vọng đưa Vinamilk đạt doanh thu 3 tỷ USD, nằm trong top 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017.
Bằng việc triển khai hàng chục nhà máy, rải khắp toàn quốc, thu mua sản lượng sữa bò do dân làm ra, các nhà máy của Vinamilk đồng loạt nhả khói và đều đạt 60% rồi 100% sản lượng chỉ sau 2 – 3 năm đi vào hoạt động. Cùng với đó, hơn 200.000 điểm bán lẻ cũng dần được Vinamilk xây dựng.
Với sự quan tâm đến người tiêu dùng Việt, đầu tiên là giá thành, thấp hơn mà chất lượng ngang bằng với sản phẩm ngoại nhập nên các sản phẩm sữa của Vinamilk dần chiếm lĩnh thị trường. Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, Vinamilk vẫn tăng trưởng và phát triển vững mạnh.
Năm 2012 Vinamilk đã đạt doanh thu hơn 27.300 tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 180 triệu USD; nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 2.900 tỷ đồng.
Phong cách đặc biệt là ấn tượng tốt đẹp đầu tiên mọi người đều cảm nhận được về nữ doanh nhân Mai Kiều Liên. Quyết đoán, linh hoạt xử lý tình huống theo kiểu "kỹ trị” hơn thiên hướng "nhân trị” của châu Á đã làm cho bà "nổi” và trẻ hơn so với tuổi tác của mình.
Năm 2012, Tạp chí Forbes bình chọn bà vào top 50 nữ doanh nhân quyền lực tại châu Á. Tiếp đó, Tạp chí Quản trị Doanh nghiệp châu Á (trụ sở tại Hồng Kông) đã bình chọn bà nhận giải thưởng “Asian Excellence Recognition Awards 2012” (Những cá nhân/công ty xuất sắc nhất châu Á năm 2012) với danh hiệu “Những CEO xuất sắc của châu Á trong lĩnh vực Quan hệ với nhà đầu tư”.
Người đàn bà tiên phong
Với nữ doanh nhân 61 tuổi Phạm Thị Việt Nga, gia nhập Dược Hậu Giang vào năm 1988. Kể từ đó, bà đã đưa công ty này từ chỗ là một tập hơn những xí nghiệp nhỏ, làm ăn yếu kém, ngấp nghé bờ vực phá sản, trở thành một trong những công ty dược phẩm được niêm yết lớn nhất ở Việt Nam.
Công ty Dược Hậu Giang sản xuất và tiếp thị hơn 300 sản phẩm dược. Đồng thời,c công ty này cũng tham gia vào lĩnh vực sản xuất container và đóng gói. Năm 2012, lợi nhuận ròng của Dược Hậu Giang tăng 18%, đạt 24 triệu USD trên doanh thu 140 triệu USD.
Bà Phạm Thị Việt Nga sinh ra tại huyện Châu Thành, Cần Thơ. Tốt nghiệp dược sĩ tại Đại học Dược và Tiến sĩ kinh tế, bà Nga gắn bó với Dược Hậu Giang (DHG) từ những năm 1980 - khi còn là chủ nhiệm hiệu thuốc Thốt Nốt – TP Cần Thơ.
Từ tháng 10/2004 tới nay, bà Nga giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hậu Giang và là người có công lớn nhất trong việc xây dựng thương hiệu Dược Hậu Giang. Từ ngày 1/7/2012, bà Nga đã chuyển giao việc điều hành tại DHG và giữ cương vị là chủ tịch HĐQT.
Trải qua 10 năm thăng trầm, Dược Hậu Giang dưới bàn tay chèo lái của nữ tướng Phạm Thị Việt Nga đã tăng trưởng vượt bậc, từ 25 sản phẩm sản xuất năm 1989 lên tới 173 sản phẩm vào năm 1999 và đến nay Dược Hậu Giang đã cung cấp hơn 300 sản phẩm ra thị trường.
Dược Hậu Giang hiện là doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp dược Việt Nam và vinh dự là 1 trong 10 Công ty của Việt Nam được tạp chí kinh doanh Forbes bình chọn vào “Top 200 Công ty vừa và nhỏ tốt nhất châu Á năm 2011”.
Xuất phát điểm gần 80% người dân thành thị không biết về thương hiệu thuốc nội địa, Dược Hậu Giang ngày nay đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, phủ kín hệ thống bệnh viện đa khoa cả nước, đáp ứng 100% nhu cầu các loại thuốc cảm và vitamin, 80% nhu cầu các loại thuốc kháng sinh trên thị trường Việt Nam.
Bà Nga đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới, nhờ những thành công vượt bậc trong kinh doanh cũng như hoạt động xã hội. Năm 2012, bà cũng lọt top 50 Người Tiên phong trong lĩnh vực Kinh doanh.../.