Cơ cấu nguồn điện sẽ được thay đổi đáng kể tại Quy hoạch điện VIII điều chỉnh
VOV.VN - Cơ cấu nguồn điện của quy hoạch điện 8 điều chỉnh sẽ thay đổi nhiều so với Quyết định số 500/QĐ-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với việc tiếp tục triển khai các dự án điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận với quy mô công suất khoảng 6000 MW thì nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện mặt trời (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà) và nguồn điện gió tăng sẽ được tăng lên đáng kể. Trong đó, riêng nguồn điện gió tăng khoảng 16 GW tại bản dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8) được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi hôm nay (17/2/2025).
Theo ông Nguyễn Hoàng Long – Thứ trưởng Bộ Công Thương, sự phát triển về khoa học công nghệ, nhất là chi phí cho các hệ thống lưu trữ năng lượng có xu hướng giảm nhanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn để tích hợp nhiều hơn nguồn điện mặt trời, điện gió vào hệ thống điện.
![cơ cấu nguồn điện sẽ được thay đổi đáng kể tại quy hoạch điện viii điều chỉnh hình ảnh 1 co cau nguon dien se duoc thay doi dang ke tai quy hoach dien viii dieu chinh hinh anh 1](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large_watermark/public/2025-02/dien_2.jpg)
Về nhu cầu điện dẫn đến việc cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch điện 8, theo đại diện Bộ Công Thương, là do thiết kế ban đầu của Quy hoạch điện VIII là nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế với mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5% giai đoạn 2031-2050 (theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050), nhưng theo ông Nguyễn Hoàng Long – Thứ trưởng Bộ Công Thương, mục tiêu tăng trưởng đặt ra tại Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 (ngày 03/01/2025) của Thủ tướng Chính phủ đã tăng cao hơn nhiều.
"Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030 cao hơn rất nhiều so với trước. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế năm 2025 phấn đấu đạt trên 8% và giai đoạn 2026-2030 phấn đấu đạt mức hai con số. Mức tăng này đòi hỏi điện năng phải tăng trưởng gấp 1,5 lần, dự kiến bình quân hàng năm từ 12% đến trên 16%."- ông Nguyễn Hoàng Long cho biết thêm.
![cơ cấu nguồn điện sẽ được thay đổi đáng kể tại quy hoạch điện viii điều chỉnh hình ảnh 2 co cau nguon dien se duoc thay doi dang ke tai quy hoach dien viii dieu chinh hinh anh 2](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large_watermark/public/2025-02/dien_1.jpg)
Không tính tới nguồn điện mái nhà hiện hữu, tổng công suất đặt nguồn điện toàn quốc đến hết năm 2024 vào khoảng 79 GW (79.000MW), đạt khoảng 53% tổng công suất đặt dự kiến đến năm 2030 theo QHĐ VIII (khoảng 150 GW). Như vậy, từ nay đến năm 2030, theo QHĐ VIII chưa điều chỉnh Việt Nam đã cần phải đầu tư và đi vào vận hành hơn 70GW (70.000MWW) công suất đặt nguồn điện, trong đó cần rất nhiều nguồn điện ổn định để đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội.