Có chuyện “tiền hậu bất nhất” trong ưu đãi đầu tư?
VOV.VN -Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, dù giấy phép đầu tư có cam kết ưu đãi, nhưng khi thực hiện mà nhà đầu tư không đáp ứng điều kiện thì không được hưởng.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, phóng viên báo chí đặt câu hỏi về việc tại diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp (DN) mới được tổ chức, có nhiều doanh nghiệp bức xúc về thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư với doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, biểu hiện là có tình trạng ở một số địa phương, cơ quan thuế không đồng ý với ưu đãi như ghi trong giấy chứng nhận đầu tư đã cấp trước đó, và yêu cầu các doanh nghiệp phải chịu thuế theo quy định hiện hành.
Không đủ điều kiện, doanh nghiệp không thể được hưởng ưu đãi
Trả lời thắc mắc này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, việc cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào pháp luật tại thời điểm cấp phép. Vì vậy, ưu đãi thuế cũng phải căn cứ vào các quy định ưu đãi thuế tại thời điểm cấp phép được quy định trong các luật thuế có liên quan.
Doanh nghiệp chỉ được hưởng ưu đãi đầu tư khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định (Ảnh minh họa: Xuân Thân) |
Cho nên, về nguyên tắc, trường hợp cấp phép không đúng thì địa phương phải rà soát lại, điều chỉnh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, địa phương cấp phép nhưng các cam kết về ưu đãi mà chính sách ưu đãi quy định chưa rõ và nhà đầu tư có ý kiến, thì các cơ quan tham mưu có trách nhiệm nghiên cứu, rà soát loại để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Thực tế, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giải quyết những trường hợp mà chính sách chưa thực sự rõ ràng.
Bên cạnh đó, trong trường hợp giấy phép đã cấp cho nhà đầu tư với ưu đãi theo đúng chính sách pháp luật hiện hành tại thời điểm cấp phép, nhưng trong quá trình thực hiện, nhà đầu tư không đáp ứng được điều kiện để hưởng ưu đãi, thì doanh nghiệp đó cũng sẽ không được hưởng ưu đãi. Bà Mai lấy ví dụ, ưu đãi với doanh nghiệp công nghệ cao, nhưng trong quá trình thực hiện doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện đối với doanh nghiệp công nghệ cao, khi đó tất nhiên không được hưởng ưu đãi như trong giấy phép đã cấp. Điều này đã được quy định rõ trong quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp có quyền chọn ưu đãi khi đầu tư mở rộng
Báo chí cũng phản ánh rằng, doanh nghiệp thắc về tình trạng quy định mở rộng đầu tư chưa có hướng dẫn cụ thể nên có rất khó xác định doanh nghiệp nào được mở rộng đầu tư hay không. Về điểm này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai dẫn chứng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 có hiệu lực từ 1/1/2009, đã quy định rất rõ đối với đầu tư mở rộng. Trong giai đoạn trước 2009, có ưu đãi đối với đầu tư mở rộng ở các lĩnh vực và các địa bàn ưu đãi. Từ 2009 đến hết 2013, luật trong giai đoạn này không có quy định về ưu đãi cho đầu tư mở rộng.
Đến nay, Luật số 32 (Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp) có hiệu lực từ 1/1/2014 đã bổ sung ưu đãi đối với đầu tư mở rộng. Trong luật cũng như các văn bản hướng dẫn (nghị định và thông tư) rất rõ về đầu tư mở rộng. Do đó, nếu doanh nghiệp đáp ứng điều kiện mở rộng đầu tư thì sẽ được hưởng ưu đãi mở rộng.
Thứ trưởng Mai cũng lưu ý là, quy định hiện hành của pháp luật cho phép doanh nghiệp được lựa chọn ưu đãi theo dự án ban đầu hoặc là được miễn giảm thuế như dự án đầu tư mới. Trong trường hợp ở địa bàn được “miễn 2 giảm 4” thì sẽ được ưu đãi về thời gian miễn giảm đối với các dự án đầu tư mở rộng.
Theo Thứ trưởng, các quy định về đầu tư mở rộng rất rõ trong các văn bản pháp luật liên quan. Nếu doanh nghiệp có vướng mắc, Bộ Tài chính sẵn sàng trả lời và hướng dẫn cho các doanh nghiệp./.