Cơ giới hóa nông nghiệp- nhu cầu bức xúc ở ĐBSCL
Cơ giới hóa nông nghiệp sẽ góp phần đưa giá trị hàng hóa nông sản đạt chất lượng và giá thành sản phẩm sản xuất sẽ có tính cạnh tranh cao
Theo Viện Nghiên cứu lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, ước tính mỗi năm nông dân trồng lúa ở ĐBSCL mất từ 3.200 - 3.600 tỷ đồng vì thất thoát sau thu hoạch, chiếm gần 12% (trong tổng sản lượng bình quân 18 triệu tấn/năm). Cụ thể như các mặt hàng lương thực, tỷ lệ thất thoát trong khâu thu hoạch và sau thu hoạch là 8-10 %, thậm chí vụ hè thu ở ĐBSCL là 15 %.
Vì vậy, cơ giới hóa ở ĐBSCL hiện nay được xem là là nhu cầu bức xúc vì nó sẽ góp phần đưa giá trị hàng hóa nông sản đạt chất lượng và giá thành sản phẩm sản xuất sẽ có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL trong thời gian qua còn quá chậm...làm hạn chế sức cạnh tranh của hạt gạo vùng ĐBSCL.
Từ thực trạngTheo Viện Lúa ĐBSCL, hiện nay ĐBSCL có hơn 42.100 máy suốt lúa, 2.793 máy gặt xếp dãy và 600 máy gặt đập liên hợp. Mức độ cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL hiện chưa đồng bộ, còn mất cân đối quá lớn.
Theo một khảo sát mới đây của của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì hiện nay, máy gặt lúa mới đảm đương được 1% diện tích ở ĐBSCL, còn lại vẫn làm thủ công. Điều này làm cho giá thành hạt lúa tăng và tỷ lệ thất thoát trong thu hoạch rất lớn.
Theo nhận định của Viện Lúa ĐBSCL, đến nay các khâu sản xuất lúa ở ĐBSCL như làm đất, bơm tưới, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, chế biến... bước đầu đã được cơ giới hóa. Tuy nhiên, tỷ lệ cơ giới hóa của nhiều khâu như: gieo cấy, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch còn rất thấp.
Riêng ở khâu làm đất, ĐBSCL dù có tỷ lệ cơ giới hóa rất cao (gần 90%) nhưng cũng có vấn đề. Nhiều nông hộ ở ĐBSCL đã chuyển từ thói quen “sạ chay” sang thói quen xới đất và sục bùn nhưng lại lãng quên khâu cày đất. Cách chuẩn bị đất như trên làm cho mặt đất bị chai cứng, cản trở sự phát triển của lúa.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên do hạ tầng nông thôn còn nhiều khó khăn; đồng ruộng bị chia cắt manh mún, nên rất khó đưa cơ giới vào đồng ruộng.
Từ lâu, ĐBSCL đã được xác định là vựa lúa gạo, tôm cá và trái cây lớn nhất nước. Tuy nhiên, ở vùng ĐBSCL này không có đến một trường đại học nông nghiệp; nguồn nhân lực hiện tại không thể đáp ứng yêu cầu giúp ĐBSCL khai thác lợi thế phát triển nông nghiệp.
ĐBSCL hiện có khá nhiều cơ sở sản xuất máy gặt đập liên hợp (GĐLH), nhưng hầu hết các cơ sở đều không có kỹ sư cơ khí nông nghiệp. Do đó, hầu hết các máy GĐLH sản xuất tại ĐBSCL đều được sản xuất thủ công chứ không theo một quy trình công nghệ. Các máy gặt đập loại này chỉ thể hiện được các ưu thế tại các hội thi như hoạt động được nhiều địa hình, thu hoạch được cả lúa bị ngã đổ... nhưng tính ổn định trong hoạt động lại thấp.
Trong số khoảng 1.800 máy GĐLH ở ĐBSCL hiện nay thì các máy được nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 90%. Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa nông nghiệp thì ĐBSCL sẽ cần thêm rất nhiều máy GĐLH. Khi đó, các cơ sở sản xuất máy GĐLH ở ĐBSCL sẽ tiếp tục thua trên sân nhà nếu vẫn giữ cách tổ chức sản xuất như hiện nay...
Còn Tiến sĩ Phan Hiếu Hiền, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, thì cho rằng, những yếu kém trong việc cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL đã được nhận diện cách đây khoảng 10 năm nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Tiến sĩ Hiền so sánh: 10 năm trước, nông dân phải vừa lo sản xuất lúa vừa lo bảo quản lúa. Đến nay, cách làm trên vẫn không thay đổi. Nghĩa là nông dân dù không có cơ sở vật chất và kỹ thuật để bảo quản lúa nhưng phải tự lo bảo quản lúa. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh lương thực hội đủ các điều kiện về kho bãi, kỹ thuật, vốn thì không bảo quản lúa mà chủ yếu chỉ bảo quản gạo, chờ chuyển ra cảng để xuất khẩu. Hệ thống kinh doanh lúa gạo hiện nay không kiểm soát được quá trình bảo quản lúa, điều này làm tăng thêm tỷ lệ hao hụt lúa sau thu hoạch và làm giảm chất lượng gạo.
Cần có một chiến lược rõ ràng
Hiện nay ở các khâu gieo cấy, chăm sóc, cắt gặt, bảo quản, chế biến thì tỷ lệ cơ giới hóa ở ĐBSCL còn thấp do tập quán và những hạn chế giữa sử dụng máy móc trong thực tiễn sản xuất. Khoảng 85% nông dân ĐBSCL vẫn dùng phương pháp sạ lan theo tập quán lâu đời. Việc cắt, gặt hầu như chỉ làm thủ công. Nông dân ít dùng máy cắt xếp dãy vì ruộng ướt, không rải lúa được. Thân cây lúa cao, đa số máy gặt hiện nay chưa có bộ phận điều chỉnh chiều cao cắt thích hợp.
Một lý do khác là việc đầu tư chiếc máy gặt khá tốn kém, giá trị từ 150 đến 200 triệu đồng/máy trong khi hộ nông dân có diện tích ruộng nhỏ, manh mún, nguồn thu nhập từ lúa còn thấp khó có khả năng mua máy.
Cơ giới hóa để đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp trong sản xuất các mặt hàng nông sản nói chung và cây lúa ở ĐBSCL nói riêng là đòi hỏi bức xúc để giảm chi phí sản xuất lúa gạo, giảm thất thoát lúa và khắc phục tình trạng thiếu lao động gặt lúa trong thời điểm thu hoạch rộ.
Theo ước tính, 1 máy gặt đập liên hợp có công năng làm việc cao hơn 60 lao động thủ công, chi phí giảm hơn 30% so với lao động thủ công. Thời gian qua, nhiều tỉnh thành đã đẩy mạnh nhiều chương trình hỗ trợ nông dân cơ giới hóa trong quá trình sản xuất lúa.
UBND tỉnh An Giang có chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho các chủ trang trại, tổ liên kết sản xuất, hợp tác xã... vay vốn đầu tư trang bị máy gặt đập liên hợp bằng hình thức hỗ trợ vốn vay và lãi suất. Tỉnh Đồng Tháp đầu tư khoảng 10 tỷ đồng thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng, nhà nước hỗ trợ 2 năm lãi suất cho dân mua máy.
Tại Tiền Giang, tập thể mua máy gặt đập được cho vay 50% giá trị với lãi suất ưu đãi. Còn Kiên Giang, ngay trong năm 2007 và 2008, Tỉnh chủ trương mua 200 máy gặt đập liên hợp bằng hình thức hỗ trợ lãi suất và vốn vay cho nông dân.
Ở Long An, Hội nông dân tỉnh đã bảo lãnh 1 tỉ đồng cho nông dân mua máy trả chậm và tỉnh hỗ trợ lãi suất vay. Nhờ vậy, hiện nay Long An có 1.200 máy gặt, mức độ cơ giới hóa trong thu hoạch lúa đạt 35% (Cao nhất so với các tỉnh khác thuộc ĐBSCL). TP Cần Thơ đang xúc tiến hỗ trợ 100% phần lãi suất vay trong 3 năm dự kiến hơn 4,8 tỉ đồng cho nông dân mua 200 máy gặt đập liện hợp trong năm 2008 này...
Mặc dù các địa phương đều có các chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư máy móc phục vụ sản xuất lúa, nhưng nguồn vốn lại không nhiều, thời gian giải ngân ngắn, số hộ được hưởng quyền lợi này chiếm tỷ lệ rất ít. Mỗi địa phương có cách làm khác nhau nên nông dân phần lớn chưa hưởng ứng các chương trình hỗ trợ nêu trên.
Cũng theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, để nền nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các địa phương cần có chính sách cụ thể trong việc phát triển nông nghiệp và nông thôn; lập kế hoạch và đưa ra các chương trình, đề án để thực hiện cơ khí hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể, cần cải tạo đồng ruộng cho bằng phẳng để dễ dàng cơ giới hóa; xây dựng các cơ sở sản xuất tập thể, hợp tác xã dịch vụ; xây dựng các vùng chuyên canh lúa để qua đó, tạo địa bàn thuận lợi cho cơ giới hóa.
Nhiều nhà khoa học nông nghiệp còn cho rằng nếu không có một chiến lược cơ giới hóa nông nghiệp rõ ràng và không có chính sách hỗ trợ vốn ở qui mô lớn từ phía Nhà nước dành cho cơ khí phục vụ nông nghiệp và nông dân thì khó có thể đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL./.