Cơ hội kinh doanh của DNNN và tư nhân phải bình đẳng
(VOV) -Với tư cách là chủ sở hữu vốn, Nhà nước cần tư duy hiệu quả kinh doanh của DNNN như một ông chủ doanh nghiệp tư nhân.
Theo kết luận của Hội nghị TW 3 Khóa XI, một trong ba mũi nhọn của tái cấu trúc nền kinh tế là thực hiện đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 – 2015. Năm 2013 là năm bản lề cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và cũng là năm quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Thực tế hiện nay, DNNN nắm giữ tới 70% tổng tài sản cố định của toàn bộ nền kinh tế; chi phối hơn 20% vốn đầu tư của toàn xã hội; 60 tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại; 50% vốn đầu tư Nhà nước và 70% nguồn vốn ODA. Song, tỷ lệ đóng góp vào GDP chỉ được 37-39%, tạo công ăn việc làm cho 4,4% tổng số lao động, đặc biệt tỷ lệ tăng sản lượng và năng suất lao động luôn chậm hơn khu vực tư nhân từ 10-14%. Trong phần đóng góp của DNNN vào GDP thì gần một nửa là khai thác tài nguyên, đất nước như: dầu khí, than, khoáng sản… nhiệm vụ của DNNN không chỉ là kinh doanh mà còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội với sứ mệnh mở đường; hướng dẫn các thành phần kinh tế khác cùng phát triển, nêu gương về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế-xã hội.
Các DNNN được nuông chiều dẫn tới môi trường cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp khác. |
Nhìn nhận về việc thua lỗ của một số DNNN thời gian qua, ông Nguyễn Viết Thông – Tổng thư ký Hội đồng Lý luận trung ương cho rằng: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là Luật pháp chưa chặt chẽ nên mới có chuyện đối xử ưu ái với DNNN. Sở dĩ có thực trạng này, theo ông Thông, là do chúng ta chuyển từ thời kỳ kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường. Trước khi có Luật Phá sản, DNNN thua lỗ thì khoanh nợ, rồi giãn nợ, xóa nợ, thậm chí thua lỗ đến mức “chết nhưng chưa được chôn” vì chưa có luật”.
Vấn đề này cũng được PGS.TS Hoàng Trần Hậu – PG Đ Học viện Tài chính đề cập là do cơ chế quản lý, khung khổ pháp lý cho hoạt động của DNNN cũng còn nhiều điểm cần hoàn thiện, sửa đổi. “Cơ chế quản lý đầu tư còn nhiều bất cập đã hạn chế hiệu quả đầu tư của DNNN. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của DNNN chưa tương xứng với qui mô các nguồn lực được đầu tư. Có quá ít các luật lệ, thiết chế để quản lý các Tập đoàn kinh tế Nhà nước” – ông Hậu nói.
Cuối 2015, phải thoái hết vốn ngoài ngành
Đánh giá về việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN thời gian qua, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định là còn chậm; chức năng quản lý Nhà nước và quản lý của chủ sở hữu Nhà nước chưa được phân định rõ; cơ chế quản lý, giám sát đối với chủ sở hữu Nhà nước còn nhiều tồn tại. Ưu tiên đầu tư ngành, lĩnh vực chưa hợp lý và dàn trải, việc đầu tư ngoài lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính không có hiệu quả. Năng lực quản trị doanh nghiệp của nhiều DNNN vẫn còn hạn chế, chậm đổi mới những nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế. Một số DNNN vi phạm các qui định về quản trị kinh doanh của Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí vốn và tài sản của Nhà nước.
Trước thực trạng này, để triển khai quá trình tái cơ cấu DNNN, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành xây dựng Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là TĐKT, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011- 2015” và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể. Nhiệm vụ đầu tiên là phân loại DN 100% vốn nhà nước hiện có theo 3 nhóm: DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ; DN cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và nhóm các DNNN thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết thêm: “Với mỗi nhóm DN, đề án cũng đã đưa ra quyết sách cụ thể. Các DNNN sẽ phải thực hiện theo nguyên tắc thị trường việc thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính và hoàn thành trước 31/12/2015.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Hải (Học viện Tài chính), cho rằng: Với tư cách là chủ sở hữu vốn, Nhà nước cần tư duy hiệu quả kinh doanh của DNNN như một ông chủ doanh nghiệp tư nhân. Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trước hết là phải bảo toàn được vốn, phải tính đúng, tính đủ chi phí, phải thu được hết vốn đầu tư thì mới tính đến lãi. Chính vì vậy, chỉ nên để DNNN công ích thực hiện các mục tiêu xã hội và chỉ được phép thực hiện các mục tiêu xã hội. Còn DNNN kinh doanh chỉ kinh doanh và buộc phải hoàn thành tốt, có hiệu quả kinh doanh cao nhất. Đồng thời, cần có sự bình đẳng về cơ hội kinh doanh giữa DNNN với các loại hình DN khác.
Ngoài ra, theo ông Hải, phải gắn hiệu quả kinh doanh của DNNN với lợi ích cá nhân người đứng đầu DNNN, đồng thời phải có cơ chế giám sát chặt chẽ trách nhiệm của người đứng đầu DNNN. Các chức danh chủ chốt cần được bổ nhiệm công khai trên cơ sở hợp đồng trách nhiệm có thời hạn; phải gắn thù lao cho người đứng đầu DNNN với hiệu quả kinh doanh của DN.
Tái cơ cáu DNNN giai đoạn 2011-2015 là nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khăn. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tái cơ cấu DNNN không chỉ tác động tới khu vực doanh nghiệp này mà nó sẽ tác động tới các DN thuộc các thành phần kinh tế khác và đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, để thành công phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt tập trung vào việc bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý DNNN; tổ chức phân loại DNNN để tập trung vào một số lĩnh vực then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ; tái cơ cấu DN theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý; thực hiện theo nguyên tắc thị trường việc thoái vốn Nhà nước đã đầu tư vào ngành, lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính. Và cuối cùng là hình thành tổ chức để thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN./.