Cơ hội và thách thức tham gia cộng đồng kinh tế chung ASEAN
VOV.VN - Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần có lựa chọn chính sách và những giải pháp hợp lý.
Lộ trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 đang đi đúng hướng và tiến độ. Để tận dụng được cơ hội do AEC mang lại, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần có lựa chọn chính sách và những giải pháp hợp lý. Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo: Tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN do Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 11/10 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tham gia tích cực vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng trong khu vực và toàn cầu. Việt Nam cũng có cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Hiện, các nước trong khu vực đã triển khai nhiều hành động chuẩn bị cho việc thành lập AEC và hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc theo lộ trình.
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo |
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), tại Việt Nam, trong khi Chính phủ tích cực điều chỉnh các luật hay các khuôn khổ chính sách để phù hợp với tiến trình, thì cộng đồng doanh nghiệp lại chưa chuẩn bị nhiều để nắm bắt cơ hội.
“Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ về cộng đồng ASEAN, chưa nắm được cơ hội khi tham gia cộng đồng kinh tế chung ASEAN như thế nào, để tận dụng cao nhất cơ hội tham gia AEC đưa lại. Một số nước chuẩn bị tích cực như Thái Lan, cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan đã rất sẵn sàng để hội nhập. Quan trọng nhất là mình phải biết mình gặp những đối thủ cạnh tranh nào, mình sẽ có cơ hội nào để tận dụng, giảm thiểu những khó khăn trở ngại”, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nói.
Bên cạnh cơ hội lớn thì thách thức cũng không nhỏ khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ sau năm 2015, khi các nước ASEAN loại bỏ các hàng rào phi thuế quan.
Thuế suất trong ASEAN sẽ về từ 0-5%. Nếu không khai thác tốt, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ mất thị trường khu vực, mà ngay cả thị trường nội địa cũng khó giữ vững. Kinh nghiệm hội nhập của các nước ASEAN chỉ ra rằng, để có thể tận dụng tối đa các lợi ích mà AEC đem lại, cần tiến hành cải cách trong nước theo tiêu chuẩn và yêu cầu hội nhập.
Giáo sư Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho rằng: “Thị trường ASEAN rất tiềm năng với 600 triệu dân, GDP của khu vực khoảng 2.200 tỷ USD, quy mô rất lớn. Tham gia ASEAN năng lực cạnh tranh không phải chỉ của riêng mình mà là cả khối. ASEAN có những quy tắc về cộng đồng đòi hỏi chúng ta phải thực hiện nhanh hơn các yêu cầu để tiến tới ASEAN là thể chế tương đối thống nhất, hài hòa hóa hải quan, có những trình độ kỹ thuật như các nước trong khu vực”.
Theo các chuyên gia kinh tế, Cộng đồng kinh tế chung ASEAN thành lập năm 2015 là kết quả tất yếu của quá trình hợp tác liên kết khu vực. Việc tận dụng cơ hội và vượt qua thử thách phụ thuộc nhiều vào năng lực quản lý của Nhà nước và khả năng thích ứng, vươn lên của các doanh nghiệp./.