Có nên đánh thuế VAT 5% với phân bón?

VOV.VN - Một số ý kiến cho rằng nếu áp thuế VAT 5% sẽ tác động đến giá bán tới người nông dân. Song, có đại biểu Quốc hội đề nghị cần nhìn tổng thể mới giải quyết được vấn đề.

Vấn đề này được đặt ra tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi, sáng 29/8.

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, nhiều ý kiến tán thành việc chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%. Tuy nhiên, cũng nhiều ý đề nghị giữ như quy định hiện hành và đề nghị đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi chính sách từ góc độ ngành sản xuất cũng như từ góc độ tác động đối với người tiêu dùng.

Ý kiến khác đề nghị quy định phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất 0% hoặc 2% và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào hoặc đề nghị tăng thuế đối với những mặt hàng này theo lộ trình.

Trong cơ quan thẩm tra hiện vẫn còn 2 luồng quan điểm nên dự thảo được thể hiện theo 2 phương án tại khoản 2 Điều 9 dự thảo luật.

Nêu ý kiến, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, nếu đưa phân bón vào nhóm chịu thuế VAT với mức thuế suất 5% có thể giải quyết bất cập cho doanh nghiệp, nhưng chắc chắn sẽ làm tăng giá phân bón, tác động đến sản xuất nông nghiệp, đời sống người nông dân.

Dẫn báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, có ý kiến cho rằng nếu đánh thuế doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ giảm giá thành, nhưng ông nhận định, không thể bảo đảm giá phân bón giảm “diễn ra hay không”. Bởi, kinh doanh của doanh nghiệp vận hành theo thị trường. Nhà nước cũng không thể bắt buộc doanh nghiệp giảm giá thành phân bón. Do vậy, ông Dương Khắc Mai đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang thì phân tích, VAT là thuế gián thu, đánh trực tiếp vào người tiêu dùng. Nếu cho rằng áp thuế để giảm giá bán là không thuyết phục và giá thành và giá bán là khác nhau. Có thể giá bán dưới giá thành, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, điều quan trọng là phải phù hợp với quốc tế.

Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, nếu áp thuế VAT 5% như dự thảo thì tới đây sẽ thu được khoảng 5.700 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ khoảng 1.500 tỷ, Nhà nước thu được khoảng 4.200 tỷ đồng. Nhưng, ông Nguyễn Trường Giang thông tin, các chuyên gia kinh tế nói không phải ngân sách thu được số tiền như thế.

Cho nên, theo ông Nguyễn Trường Giang, cần đánh giá chính xác nhất về việc nếu đánh thuế VAT 5% thì doanh nghiệp được hoàn lại bao nhiêu, ngân sách thu được bao nhiêu, người dân bị ảnh hưởng bao nhiêu.

“Vừa qua, để phục hồi kinh tế, chúng ta cố gắng giảm 2% VAT để kích thích tiêu dùng, nay lại đánh thuế VAT 5% để giảm giá bán là không phù hợp”, ông một lần nữa lưu ý.

Phát biểu thêm về vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng cần nhìn tổng thể, không nên dựa vào tăng giá hay hạ giá để quyết định chính sách.

“Một đất nước phát triển nông nghiệp như Việt Nam mà không có ngành sản xuất phân bón trong nước đàng hoàng, đĩnh đạc, mà chính sách cứ phải chỉnh lên, chỉnh xuống là không ổn”, ông Trịnh Xuân An nói và nhấn mạnh, Việt Nam cần có một ngành sản xuất phân bón hiện đại, bình đẳng với thế giới, không thể phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu.

“Nếu ngành sản xuất phân bón tốt thì người dân được lợi, xã hội được lợi, ngành nông nghiệp được lợi”, ông nhận định.

Đại biểu Trịnh Xuân An ủng hộ quan điểm của Ủy ban Tài chính Ngân sách, là nếu áp thuế VAT 5%, các doanh nghiệp sản xuất trong nước có dư địa để giảm giá bán, tức là không phải giảm giá ngay. Cùng đó là cơ hội thu thuế của doanh nghiệp nhập khẩu.

“Nếu cứ đi vào câu chuyện áp thuế tăng giá hay giảm giá thì không bao giờ xử lý được vấn đề này. Nếu để lại như vậy, câu chuyện của ngành sản xuất phân bón vẫn diễn ra như cách đây 10 năm, vẫn phụ thuộc vào thế giới”, ông An nêu quan điểm.

Để hài hoà lợi ích doanh nghiệp, nông dân, đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế đề nghị đưa phân bón vào diện mặt hàng chịu thuế, áp thuế suất 0%, để doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế, khuyến khích phát triển nông nghiệp.

Trao đổi lại, ông Trịnh Xuân An cho hay, thuế suất 0% chỉ áp cho hàng xuất khẩu, theo quy định của Luật Thuế VAT. Chưa kể, nếu áp thuế 0% để doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế thì phải bỏ ngân sách ra để hoàn là vô lý.

“Ngân sách lấy từ đâu để hoàn khi không có khoản thu ghi nhận”, ông Trịnh Xuân An băn khoăn.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thuế VAT 5% đối với phân bón sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu đánh giá thêm
Thuế VAT 5% đối với phân bón sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu đánh giá thêm

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, những ý kiến khác nhau về quy định áp thuế VAT 5% đối với phân bón sẽ được Bộ tiếp thu, xin ý kiến và sẽ đánh giá lại tác động một lần nữa, sau đó trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2024.

Thuế VAT 5% đối với phân bón sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu đánh giá thêm

Thuế VAT 5% đối với phân bón sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu đánh giá thêm

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, những ý kiến khác nhau về quy định áp thuế VAT 5% đối với phân bón sẽ được Bộ tiếp thu, xin ý kiến và sẽ đánh giá lại tác động một lần nữa, sau đó trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2024.

Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc VAT 0% hay 5% với mặt hàng phân bón
Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc VAT 0% hay 5% với mặt hàng phân bón

VOV.VN - Tại thảo luận, các đại biểu đề nghị sửa Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng áp dụng thuế VAT 0% đối với mặt hàng phân bón, đồng thời đề nghị hoàn thuế VAT đầu vào cho các DN sản xuất phân bón trong nước.

Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc VAT 0% hay 5% với mặt hàng phân bón

Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc VAT 0% hay 5% với mặt hàng phân bón

VOV.VN - Tại thảo luận, các đại biểu đề nghị sửa Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng áp dụng thuế VAT 0% đối với mặt hàng phân bón, đồng thời đề nghị hoàn thuế VAT đầu vào cho các DN sản xuất phân bón trong nước.