Có nên tiếp tục trông chờ vào “bầu sữa” ODA?
VOV.VN -Khi Việt Nam trở thành một nước có mức thu nhập trung bình, việc chuyển sang vay các nguồn vốn có điều kiện chặt chẽ hơn là điều thiết yếu.
Với ưu điểm là lãi suất thấp, thời gian vay khá dài, do vậy nguồn viện trợ ODA đang giúp các nước nghèo, nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam có cơ hội vay để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo.
Tính đến nay, tổng vốn ODA cam kết hỗ trợ Việt Nam gần chạm ngưỡng 80 tỷ USD, cũng thể hiện sự hài lòng của các đối tác với Việt Nam về việc sử dụng nguồn vốn này hiệu quả.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, khi Việt Nam trở thành một nước có mức thu nhập trung bình, thì nước ta có nên tiếp tục trông chờ vào nguồn vốn ưu đãi này hay không và Việt Nam cần những giải pháp gì để quản lý và sử dụng những nguồn vay khác thích ứng với nhu cầu mới.
Trao đổi với PV VOV, ông Dương Đức Ưng, chuyên gia tư vấn cao cấp, nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, cần đẩy mạnh việc giảm dần phụ thuộc vào nguồn vốn ODA và nhanh chóng giải quyết tình trạng giải ngân vốn chậm.
PV: Tổng vốn ODA mà các đối tác nước ngoài cam kết hỗ trợ cho Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua đã gần chạm ngưỡng 80 tỷ USD. Vậy nguồn vốn này đã giúp Việt Nam như thế nào trong quá trình phát triển kinh tế trong nước, tiến đến hội nhập khu vực và thế giới, thưa ông?
Ông Dương Đức Ưng: Từ năm 1993 – 2012, thông qua 19 hội nghị viện trợ, các nhà tài trợ đã cam kết cho Việt Nam vay 78 tỷ USD. Nếu tính thêm năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, thì con số này đã chạm ngưỡng 80 tỷ USD. Đây là một con số rất lớn.
Tuy nhiên, từ khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình vào năm 2010, Việt Nam và các nhà tài trợ thống nhất là sẽ không cam kết ODA từng năm nữa, mà cam kết ODA cho Việt Nam sẽ tùy thuộc vào từng nhà tài trợ. Họ có thể tuyên bố cam kết vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Do vậy, chúng ta không còn tập quán “cam kết” như mọi năm nữa.
Đây là thông điệp rất quan trọng cho thấy, chúng ta đối thoại chính sách phát triển với nhà tài trợ, không phải chỉ vì để đổi lấy viện trợ, mà chúng ta đối thoại trên cơ sở bình đẳng, tin cậy lẫn nhau và hợp tác cùng phát triển.
Nếu chúng ta tiến hành sử dụng nguồn vốn ODA, bình quân mỗi năm sẽ giải ngân khoảng 3 tỷ USD. Khoản vốn này sẽ hỗ trợ cân đối kinh tế vĩ mô, đảm bảo nguồn tài chính để đầu tư phát triển. Nguồn vốn này cũng giúp các ngành riêng lẻ phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, năm 2008, chúng ta đã cán đích mục tiêu phát triển Thiên niên kỉ, thay vì năm 2015 như Liên Hợp Quốc đề ra, yêu cầu các nước phải giảm được 50% đói nghèo. Đây là một thành tựu nổi bật của nước ta. Chúng ta đã sử dụng ODA vào mục tiêu đó.
PV: Mỗi năm chúng ta giải ngân 3 tỷ USD. Song trên thực tế, con số này mới đáp ứng được khoảng 60% nguồn vốn. Vậy hệ lụy của việc chậm giải ngân tác động đến nền kinh tế như thế nào, thưa ông?
Ông Dương Đức Ưng: Giải ngân chậm có thể ví như chúng ta đang cần lương thực, nhưng khi mang lương thực đến chúng ta lại không sử dụng.
Việc giải ngân chậm khi có nguồn vốn hỗ trợ lớn như vậy trong suốt 20 năm qua, đã phản ánh năng lực hấp thụ viện trợ của Việt Nam rất yếu. Điều này sẽ dẫn đến những hệ quả tất yếu.
Thứ nhất, hoạt động đầu tư sẽ kém hiệu quả. Bởi, một công trình, dự án đều có giới hạn, thời điểm thích hợp để tiến hành. Nếu chúng ta càng chậm đưa công trình, dự án vào sử dụng thì thiệt hại kinh tế càng lớn.
Thứ hai, việc chậm giải ngân khiến chúng ta đang lãng phí nguồn lực. Đây không chỉ là lãng phí nguồn lực trong nước mà là của cả quốc tế. Nếu Việt Nam không dùng được, thì lẽ ra tiền đó nên chuyển cho các quốc gia khác cũng đang có nhu cầu vốn.
Thứ ba, điều này sẽ làm giảm sút lòng tin, giảm uy tín của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài. Khi ký kết các hiệp định, ta đều hứa hẹn chúng ta sẽ thực hiện đúng tiến độ như đã thỏa thuận, song tiến độ không thực hiện được, đây là những hậu quả rất lớn về mặt kinh tế cũng như uy tín.
PV: Vậy theo ông, nguyên nhân khiến chúng ta giải ngân chậm là gì?
Ông Dương Đức Ưng: Nguyên nhân đầu tiên là do chúng ta không đảm bảo được những nguồn đối ứng cần thiết như vốn đối ứng, năng lực quản lý để có thể tiếp thu và thực hiện được các chương trình dự án đúng thời hạn, tiến độ đề ra.
Thứ hai, tại nhiều dự án cũng như một số thời điểm, các cơ quan quản lý vẫn chưa phát huy được vai trò làm chủ, thụ động trong việc triển khai dự án.
Thứ ba, quy trình thủ tục của Việt Nam cũng như của nhà tài trợ còn quá phức tạp, thiếu đồng bộ.
Thứ tư, việc thực hiện các quy phạm về quản lý ODA của chúng ta còn nhiều khi chưa được nghiêm túc. Đồng thời, năng lực và công tác quản lý dự án của chúng ta thiếu chuyên nghiệp.
PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần giảm dần phụ thuộc vốn ODA, chuyển sang vay các nguồn vốn có điều kiện chặt chẽ hơn? Vậy ông có bình luận gì về điều này?
Ông Dương Đức Ưng: Việt Nam đã vượt qua vị trí một nước nghèo, kém phát triển, để trở thành một nước có thu nhập trung bình theo các chuẩn mực của thế giới đề ra. Do vậy, chúng ta không thể được hưởng nguồn vốn ODA ưu đãi như khi chúng ta còn là một nước thu nhập thấp.
Ở thời điểm này, chúng ta cần hướng đến các khoản vay ưu đãi khác. Tuy nhiên, ưu đãi ở đây vừa cần phải phù hợp với luật quản lý nợ công của Việt Nam, nhưng cũng phải tuân theo quy định của nhà tài trợ. Loại vốn vay này kém ưu đãi so với vốn vay ODA, song vẫn ưu đãi hơn vốn vay thương mại.
Loại vốn vay mới có thể sẽ ngặt nghèo ở một số khía cạnh như lãi suất cao hơn, thời gian vay nợ ngắn hơn. Tuy nhiên, người đi vay sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, bao gồm cả việc lựa chọn loại tiền vay như đồng Yên Nhật, đồng Euro hay USD.
Đây vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức. Thách thức ở đây là chúng ta phải đủ năng lực để lựa chọn, ví dụ như việc dự báo tỷ giá sẽ biến động như thế nào trong thời gian tới để lựa chọn đồng tiền vay nhằm hưởng lợi nhiều nhất.
PV: Giảm dần nguồn vốn viện trợ ưu đãi nghĩa là ta cũng phải thay đổi chính sách ở tầm vĩ mô. Vậy quan điểm của ông về việc tiếp cận, xây dựng chính sách phát triển để giảm dần phụ thuộc nguồn vốn ODA là như thế nào?
Ông Dương Đức Ưng: Về mặt truyền thống, vốn ODA thường được sử dụng để phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển và cung cấp các dịch vụ công có chất lượng và phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
Do vậy, để cải thiện vấn đề này, cũng như để có thể sử dụng được nguồn vốn vay kém ưu đãi một cách có hiệu quả hơn, chúng ta rất cần có những chính sách khuyến khích và tạo môi trường cho sự tham gia rất bình đẳng của tất cả các thành phần kinh tế, bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ dự án xây đường cao tốc Phan Thiết, với vốn vay của ngân hàng thế giới, chúng ta đã khuyến khích tư nhân tham gia cùng. Đây là một trong những cách thức có thể tạo sự bình đẳng trên thị trường, cũng như để tối đa hóa sự tham gia của các thành phần kinh tế trong việc phát triển kinh tế đất nước./.