Có nên tồn tại cơ chế Bộ chủ quản với doanh nghiệp Nhà nước?

VOV.VN -Nhiều đại biểu cho rằng cần sớm xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản để đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh của các DN.

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII bàn về dự thảo Luật Đầu tư vốn Nhà nước cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị nên xóa bỏ mô hình bộ chủ quản đối với các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) để tháo gỡ những nút thắt về thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tránh chồng chéo các chức năng quản lý và điều hành trong doanh nghiệp, thậm chí vừa “đá bóng vừa thổi còi” như trong quản lý và điều hành giá các mặt hàng thiết yếu thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình là một trong rất ít các đại biểu cho rằng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng những ý kiến đề nghị xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các DNNN, bởi những gì đã đặt ra và xây dựng nên đều có lợi cho việc thực hiện mục tiêu

“Vai trò quản lý Nhà nước và đặc biệt là việc tổ chức giám sát cơ quan Nhà nước đối với các doanh nghiệp là rất cần thiết. Vì qua đó, chúng ta có thể phát hiện những lỗ hổng về cơ chế chính sách, về pháp luật để từ đó có giải pháp. Đương nhiên lĩnh vực nào cũng vậy, trong quá trình hoạt động đều có điểm hạn chế, nếu có những giải pháp khắc phục hạn chế đó thì vấn đề quản lý đều có hiệu quả nhất định”, ông Phương cho biết.

Tuy nhiên, đa số các đại biểu Quốc hội đều cho rằng cần sớm xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản để đảm bảo việc công bằng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đại biểu Bùi Thu An đoàn Hà Nội khẳng định: “Nguyên tắc là không cho một cơ quan nào vừa “đá bóng vừa thổi còi”, trong mọi hoạt động quản lý. Một bộ, cơ quan đã làm tham mưu là chỉ làm tham mưu, nếu làm quản lý thì chỉ quản lý. Nếu vừa làm tham mưu lại vừa quản lý, mà lại có các doanh nghiệp thuộc bộ đó thực thi nhiệm vụ thì có thể gây thất thoát, bất bình đẳng cho các doanh nghiệp khác”.

Theo đại biểu Trần Du Lịch, Uy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cái gốc để luật đầu tư vốn của Nhà nước cho hoạt động sản xuất kinh doanh đi vào cuộc sống chính là phải xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản của các DNNN, bởi nếu chúng ta chưa xây dựng được một mô hình quản lý hoàn chỉnh mà đã xây dựng luật là đi ngược với cơ chế.

TS. Trần Du Lịch phân tích: “Nếu đơn vị Bộ nắm hàng chục tổng công ty, thì Bộ sẽ có xu hướng lo cho hoạt động của doanh nghiệp chứ không lo quản lý nữa. Vấn đề là làm sao trên thương trường, bộ quản lý của Nhà nước phải là trọng tài”.

Đa số các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, kể cả Luật Lao động đối với việc sử dụng lao động, hay theo Luật Thuế đối với trách nhiệm nộp thuế của doanh nghiệp. Vì vậy không cần thiết phải có bộ chủ quản đối với DNNN.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm đoàn Thái Bình nhấn mạnh đến việc tuân thủ Luật Ddoanh nghiệp, cũng như vai trò trọng tài và cơ chế vai trò quản lý của bộ chủ quản trong việc quản lý Nhà nước, trên cơ sở các quy hoạch, kế hoạch, định chế đã được phê duyệt.

“Một nền kinh tế được quản lý theo kiểu hiện đại, bám sát thị trường thì sẽ không có bộ chủ quản. Do vậy, việc tiến tới xóa bỏ bộ chủ quản càng nhanh càng tốt là vì, bộ chủ quản rút về làm quản lý Nhà nước, làm quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, chế độ chính sách chứ không nên sa vào quản lý công việc cụ thể của doanh nghiệp. Càng sa vào bao nhiêu, càng làm hạn chế tính tự chủ độc lập sáng tạo của doanh nghiệp, bớt khách quan, gây chồng chéo giữa người quản lý và người điều hành”, ông Kiêm cho biết.

Từ thực tế hoạt động quản lý và điều hành xăng dầu vừa qua, các chuyên gia cho rằng, người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ việc thiếu minh bạch và chưa có sự công  bằng do Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu, lại đồng thời là cơ quan chủ quản của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Tập  đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và 1 số đầu mối kinh doanh xăng dầu khác. Trong khi đó, thị trường xăng dầu có tới 20 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh mặt hàng này, vì vậy, tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với điều hành doanh nghiệp là một tất yếu để đảm bảo công bằng và minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.

Theo khảo sát, đại đa số các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cần sớm cải cách theo hướng xóa bỏ cơ chế bộ ngành chủ quản, các DNNN phải tuân thủ hoạt động theo các quy định của văn bản pháp luật, trong đó có Luật Doanh nghiệp, tránh sự chồng chéo trong chức năng điều hành qản lý, điều này cũng phù hợp với thực tiễn hiện nay của đất nước và thông lệ quốc tế. Việc tồn tại cơ quan quản lý Nhà nước với chức năng chủ sở hữu rất dễ dẫn tới việc tham gia quá sâu vào hoạt động kinh doanh, không những không thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mà thậm chí còn cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy bộ chủ quản nên hoạt động với tư cách cơ quan quản lý Nhà nước chứ không thể là cơ quan trực tiếp điều hành sản xuất kinh doanh.

Cụ thể hơn, 1 số đại biểu Quốc hội đã nêu ra giải pháp, để xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản thành công thì cần xác lập được của vai trò cơ quan đứng ra quản lý phần vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời xác lập lại các doanh nghiệp hoạt động công ích, phúc lợi xã hội và chuyển đổi mô hình không phải doanh nghiệp như vệ sinh môi trường, nước và xử lý rác thải,… là định chế phi lợi nhuận nên chuyển về cho địa phương quản lý và thực hiện./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên