Cổ phiếu “nhà FLC” đồng loạt tăng trần sau văn bản xin ngừng giao dịch
VOV.VN - Trong phiên giao dịch đầu tuần, diễn biến đáng chú ý là cổ phiếu chứng khoán bứt phá mạnh, toàn bộ các mã “họ” FLC tăng trần bất chấp đề nghị xem xét bất thường xảy ra tại phiên giao dịch ngày 1/4 của lãnh đạo Tập đoàn FLC.
Cổ phiếu “họ FLC” đồng loạt tăng trần, dư mua
Thị trường chứng khoán hôm nay 4/4 diễn biến rất tích cực. Đáng chú ý, lực cầu tăng mạnh khiến cổ phiếu “họ FLC” như: FLC, ROS, HAI, ART, AMD, KLF đồng loạt tăng hết biên độ và đến cuối phiên giao dịch trắng bên bán, trong khi vẫn còn lệnh đặt mua giá trần hàng triệu đơn vị.
Cụ thể, FLC và ROS đạt được trạng thái tăng ngay đầu phiên, lần lượt tăng trần lên 11.600 đồng và 7.400 đồng/cổ phiếu. HAI tăng trần 7% lên 5.820 đồng; AMD tăng trần 7% lên 6.130 đồng; KLF tăng trần 9,1% lên 6.000 đồng và ART tăng trần 9,1% lên 9.600 đồng/cổ phiếu. Các mã này đều được hấp thụ hết sạch lệnh bán, dư mua giá trần lớn. Dư mua giá trần tại FLC còn 10,6 triệu đơn vị, tại ROS là 4,4 triệu đơn vị; tại HAI là 1,3 triệu đơn vị; tại AMD là 1,4 triệu đơn vị…
Phiên hôm nay, thanh khoản tại FLC cũng như các mã còn lại đều khiêm tốn hơn đáng kể so với phiên giao dịch "khủng" hôm thứ 6 tuần trước, tuy nhiên, FLC vẫn khớp lệnh xấp xỉ 13 triệu cổ phiếu; ROS khớp lệnh 14,5 triệu cổ phiếu. Nhà đầu tư nước ngoài đồng loạt bán ròng tại các mã này. Riêng tại FLC, khối ngoại bán ròng 231.000 đơn vị và bán ròng 124.200 đơn vị tại ROS.
Trước đó, vào chiều tối 1/4, ông Đặng Tất Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) bất ngờ có văn bản đến Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đề nghị kiểm tra giao dịch đột biến trong ngày 1/4 đối với cổ phiếu FLC và có các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư. Theo đó, đại diện doanh nghiệp này cho biết, phát sinh nhiều dấu hiệu bất thường trước, trong và sau phiên giao dịch ngày 1/4 đối với cổ phiếu FLC có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của Tập đoàn FLC nói riêng và sự ổn định của TTCK nói chung.
Cụ thể, trong phiên 1/4, thị trường ghi nhận loạt cổ phiếu “họ FLC” có dấu hiệu phục hồi khi lực cầu bắt đáy bất ngờ xuất hiện, "giải cứu" hàng chục triệu cổ phiếu sau 4 phiên bị bán tháo, trắng bên mua. Lực cầu bắt đáy tăng mạnh giúp cặp FLC và ROS thoát giá sàn, thậm chí có thời điểm hồi phục sắc xanh với thanh khoản bùng nổ khi lượng xả bán sàn được hấp thụ hết. Còn trước phiên giao dịch, vào tối 31/3, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin mua gom cổ phiếu FLC, thậm chí còn có thông tin giả về việc ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu FLC.
“Trong trường hợp có tổ chức, cá nhân nào phát tán thông tin nói trên thì có thể được xem là hành vi có mục đích thâu tóm doanh nghiệp; làm mất an ninh, an toàn của thị trường; gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin đối với thị trường chứng khoán của nhiều nhà đầu tư", đại diện FLC nêu rõ.
Do đó, Tập đoàn FLC đề nghị UBCKNN và HoSE ngay lập tức áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán theo quy định tại Điều 7 Luật Chứng khoán 2019 bao gồm nhưng không giới hạn ở các biện pháp: tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với mã FLC, kiểm tra làm rõ các dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1/4 của cổ phiếu FLC và xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch đã thực hiện trong ngày 1/4 nếu phát hiện các vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.
VN-Index có lúc vượt đỉnh lịch sử
Không chỉ cổ phiếu “nhà FLC”, trong phiên giao dịch đầu tuần 4/4, tâm lý nhà đầu tư tiếp đà tích cực giúp thị trường có phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp. Mở cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng một mạch lên mốc hơn 1.530 điểm, vượt đỉnh lịch sử lập được trước đó vào phiên 6/1 là 1.528,57 điểm. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch ngày 4/4, VN-Index tăng 8,26 điểm (+0,54%) lên 1.524,7 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về tích cực với 254 mã tăng (15 mã tăng trần), 61 mã tham chiếu, 187 mã giảm (5 mã giảm sàn).
Tích cực nhất có lẽ là nhóm ngành chứng khoán với nhiều mã tăng mạnh như: SSI (+4,9%), VIX (+6,1%), SHS (+4,8%), SBS (+4,9%), HCM (+4,5%), VCI (+3%)...; thậm chí tăng trần như: VND (+6,9%), AGR (+7%), CTS (+6,9%), FTS (+7%), AAS (+15%).
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 (+0,36%) có diễn biến kém tích cực hơn so với thị trường chung do chịu áp lực chốt lời về cuối phiên với 17/30 mã tăng, có thể kể đến: GVR (+5,6%), NVL (+4,7%), GAS (+2,5%), MSN (+2,4%), PLX (+2%), VJC (+1,4%), POW (+1,2%), VPB (+1%)... là những mã tăng từ 1% trở lên.
Ở chiều ngược lại, vẫn còn 10/30 mã kết phiên trong sắc đỏ đã làm thu hẹp khá nhiều mức tăng của thị trường chung như: FPT (-1,5%), KDH (-1,5%), TCB (-1,3%), HDB (-1,2%)... là những mã giảm trên 1%. Nhóm cổ phiếu hóa chất tiếp tục chịu áp lực bán khiến nhiều mã giảm mạnh như: DCM (-5%), DGC (-3,1%), CSV (-5%), DDV (-1,4%), LAS (-2%)...; thậm chí DPM (-7%), BFC (-6,9%) còn giảm sàn.
Trên sàn HNX, mặc dù có chút hạ nhiệt nhưng chỉ số HNX-Index vẫn tăng khá tốt. Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, HNX-Index tăng 4,59 điểm (+1,01%) lên 458,69 điểm với 161 mã tăng và 92 mã giảm.
Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng trong suốt cả phiên chiều. Chốt phiên giao dịch ngày 4/4, chỉ số UpCoM-Index tăng 0,48 điểm (+0,41%), lên 117,67 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 72 triệu đơn vị, giá trị 1.667,7 tỷ đồng./.