Cơ quan quản lý nhà nước bất lực trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh?
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội nêu thực tế: Nhiều doanh nghiệp Việt Nam rơi nước mắt vì bị cạnh tranh không lành mạnh, mất thị trường ngay trên chính quê hương mình.
Phát biểu tại Hội trường sáng nay (15/11) về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi luật này trong bối cảnh hiện nay khi hàng hóa và dịch vụ Việt Nam đang vấp phải cạnh tranh khốc liệt về giữ thị phần với các thị trường nước ngoài ngay trên “sân nhà”.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa |
Ông Nghĩa đặt vấn đề: Việt Nam hội nhập, mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài để làm gì? Câu trả lời phải là tăng cường nội lực nền kinh tế, củng cố tăng cường chủ quyền Việt Nam trước hết về kinh tế, khai thác nguồn lực và thị trường nước ngoài để đẩy mạnh phát triển, để Việt Nam đuổi kịp thế giới.
“Chúng ta không kỳ thị các doanh nghiệp nước ngoài và sẵn sàng đối xử tốt với họ miễn là tuân thủ luật pháp quốc gia, các hàng rào kỹ thuật. Nhưng vấn đề là hàng trăm tỷ USD xuất khẩu mỗi năm, hàng trăm tỷ USD đầu tư FDI, hàng trăm tỷ USD đầu tư gián tiếp 20 năm qua đã đem lại gì cho nội lực nền kinh tế Việt Nam?”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa băn khoăn.
Bất lực trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh?
Theo ông Nghĩa, nhiều nghiên cứu của các chuyên gia và các cơ quan quản lý nhà nước đã chỉ rõ, Việt Nam đã mất rất nhiều tài nguyên, mất rất nhiều lao động giá rẻ, mất rất nhiều ưu đãi về thuế, đất cát cho các doanh nghiệp nước ngoài nhưng kết quả đem lại chưa tương xứng.
“Chúng ta đã báo động về tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô, điện tử sau hàng chục năm hầu như vẫn không nhích lên như cam kết của các nhà đầu tư khi vào sản xuất tại Việt Nam. Chúng ta cũng đã đánh mất nhiều thị phần thức ăn gia súc, thuốc thú y…”, ông Nghĩa lưu ý.
Đại biểu Nghĩa nêu thực trạng: Gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực bán lẻ, dược phẩm, khám chữa bệnh, vận tải, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa mà nổi lên là điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn đang báo động về việc từng bước bị loại khỏi thị trường trong nước mà các cơ quan quản lý nhà nước hầu như bất lực trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như: chuyển giá, mua bán sáp nhập ở tầng trên bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, trốn thuế bằng công nghệ cao, điều chuyển vốn giữa các công ty trong cùng tập đoàn…
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước thì bị hạch sách, nhũng nhiễu, nhiều trường hợp không có “phong bì” thì không qua được các “cửa ải” hành chính. “Chúng ta gần như bất lực trước các vụ thắng thầu của các doanh nghiệp nước ngoài chỉ nhờ kê giá rẻ và cam kết công nghệ cao, nhưng năm sau thì đội vốn, giãn tiến độ, gian dối về chất lượng và công nghệ, những dự án như vậy cộng lại có vốn đầu tư hàng trăm nghìn tỷ”, ông Nghĩa nêu.
Đại biểu này trăn trở: “Nhiều doanh nghiệp Việt Nam rơi nước mắt vì bị mất thị trường ngay trên chính quê hương mình, ngay cả khi được nước ngoài chào mua lại với giá ba đời ăn không hết. Thật đau lòng khi con em chúng ta thần tượng nhạc ngoại, mê phim ngoại, để tóc, ăn mặc, ăn uống theo cung cách ngoại mà không biết cả những kiến thức cơ bản về văn hóa và lịch sử Việt Nam”.
>> “Găng tay đỏ” bị ngừng chiếu, CGV lại bị 'tố' bất công với phim Việt
"Tố" CGV chèn ép doanh nghiệp nội
Mới đây, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam vừa tiếp tục tố CGV có biểu hiện kinh doanh trái phép và tiếp tục “chèn ép” doanh nghiệp Việt.
Đây là động thái tiếp theo của các nhà phát hành phim Việt sau khi 8 đơn vị sản xuất và phát hành phim trong nước gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan quản lý về việc họ bị doanh nghiệp này chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé hồi tháng 6 năm ngoái nhưng không có kết quả.
CGV bị "tố" chèn ép doanh nghiệp Việt (Ảnh minh họa: KT) |
Trong thông cáo, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam cho biết, những năm gần đây, doanh nghiệp nước ngoài chiếm hơn 65% thị phần rạp chiếu phim và gần 70% thị phần phát hành phim. Trong đó, Công ty TNHH CJ CGV (CGV) là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường với hơn 40% thị phần rạp chiếu và hơn 60% thị phần phát hành phim điện ảnh tại Việt Nam.
Theo quy định của Luật Điện ảnh và Cam kết WTO, nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu quá 51% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim. CGV là doanh nghiệp có 80% vốn đầu tư nước ngoài (đầu tư trong giai đoạn trước khi Việt Nam gia nhập WTO), do vậy chỉ được phép kinh doanh trong một số lĩnh vực hạn chế đã đăng ký, trong đó không được phát hành phim Việt Nam./. “Giấy thông hành” thế hệ mới để doanh nghiệp Việt vươn ra toàn cầu
Cơ quan Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh