Có thể sáp nhập Vinaphone-Mobifone nếu Thủ tướng đồng ý miễn trừ

Theo Luật cạnh tranh nếu 2 doanh nghiệp sáp nhập mà có thị phần trên 50% thì sẽ bị cấm tuy nhiên vẫn có trường hợp miễn trừ và phải được Thủ tướng quyết định.  

Ông Vũ Bá Phú - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định, theo Luật Cạnh tranh, các doanh nghiệp không được thực hiện tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp chiếm trên 50%. Trong khi đó, Sách Trắng Công nghệ thông tin năm 2011 cho thấy, Viettel chiếm 36,72% thị phần, MobiFone chiếm 29,11% và VinaPhone chiếm 28,71% thị phần. Các doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm hơn 5% thị phần. Như vậy, với việc nắm giữ đến hơn 55% thị phần viễn thông hậu sáp nhập MobiFone-VinaPhone, đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có thể vướng luật Cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo ông Phú vẫn có trường hợp miễn trừ. Theo đó, nếu một trong các bên đang phá sản hoặc nhằm mục đích phát triển kinh tế xã hội. Thêm vào đó, để được miễn trừ thì phải làm thủ tục xin phép và cần được sự quyết định đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Vũ Bá Phú cho rằng, thị phần không là tiêu chí duy nhất để xem xét trong đề xuất sáp nhập của MobiFone và VinaPhone. Sức mạnh cạnh tranh sau đó, năng lực tiếp cận thị trường và cơ hội cho doanh nghiệp mới... đều là những yếu tố phải quan tâm. Bởi theo ông, thị phần có thể thay đổi qua từng năm, quan trọng là sự quản lý, theo dõi, giám sát của Cục quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương và Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Vinaphone và Mobifone hiện đang đầu tư theo 2 hướng khác nhau (1 triển khai mạng 2 và 3G còn 1 thì triển khai mạng 4G) là không hợp lý và theo ông Phú là hoàn toàn có thể được hưởng miễn trừ khi sáp nhập với mục đích phát triển kinh tế xã hội.

Cũng về việc sát nhập giữa hai nhà mạng, ông Đặng Quốc Tiến - Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho hay, việc MobiFone và VinaPhone là 2 cơ quan con thuộc VNPT nhưng lại đầu tư phát triển theo 2 hướng khác nhau, sử dụng hạ tầng khác nhau là rất lãng phí. "Đây là 2 thương hiệu cung cấp cho khách hàng trong cùng một tập đoàn, không thể đầu tư 2 mạng chạy song song theo 2 hướng", ông Tiến nói.

Trong phương án mới nhất trình Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT đã đề xuất duy nhất một phương án là sáp nhập dù điều này dẫn tới việc tạo ra một mạng chiếm 55% thị phần trên thị trường viễn thông, vi phạm luật Cạnh tranh.

Ông Phan Hoàng Đức, Phó tổng giám đốc VNPT cũng đã chính thức xác nhận thông tin về kế hoạch sáp nhập VinaPhone và MobiFone với báo giới ngày 20/3.

Theo đó, trong đề án tái cấu trúc lần này, VNPT sẽ tiến hành sáp nhập hai mạng di động MobiFone và VinaPhone làm một và sẽ giữ lại hệ thống hạ tầng. Đầu số di động mà khách hàng đang dùng của 2 nhà mạng hiện nay vẫn được giữ nguyên.

Tuy nhiên, ông Đức cũng cho biết, đó mới chỉ là mong muốn của VNPT, quyết định cuối cùng vẫn phải do Chính phủ.

Trong khi đó, điều đáng chú ý là nhiều ý kiến của lãnh đạo Bộ xem ra cũng chưa đồng tình với chủ trương sáp nhập hai mạng di động của VNPT.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, trong trường hợp VNPT cho sáp nhập thì trên thị trường chỉ có hai doanh nghiệp lớn là Viettel và VNPT. Như vậy sẽ không thể hình thành nên một thị trường theo thế chân vạc với các doanh nghiệp ngang tài ngang sức đi cùng thị phần tương đương nhau, và sẽ không duy trì được một thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đặt câu hỏi, trong khi MobiFone phát triển mạnh như vậy còn VinaPhone thì kém hơn, nên khi sáp nhập lại thì có sợ VinaPhone “kéo” MobiFone xuống không? Và theo ông Son thậm chí VNPT phải tách MobiFone ra, còn VinaPhone phải củng cố để phát triển.

Theo giải thích của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, giá trị thương hiệu của hai nhà mạng này rất lớn, đặc biệt là MobiFone, lên tới hàng tỷ USD, nếu nhập vào sẽ mất đi một thương hiệu và sẽ mất rất nhiều tiền. “Theo tôi là không nên nhập vào để làm mất đi một thương hiệu, nhưng phải có cách nào đó để cả hai mạng này ngày càng phát triển hơn”, ông nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên