Có thị trường phát điện cạnh tranh nhưng chưa thể giảm giá điện

Trong một thời gian dài, giá điện của Việt Nam khá thấp, đến nay các nhà máy chào với giá cao hơn giá đang quy định hiện hành.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã khẳng định điều này khi nói về thị trường điện hiện nay.

Hôm nay (1/7),  thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành với 29 nhà máy điện tham gia trực tiếp nộp bản chào giá với Công ty Mua bán điện. Đây là bước khởi đầu rất quan trọng để tiến tới một thị trường bán lẻ cạnh tranh.

29 nhà máy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh từ hôm nay (1/7) gồm 13 nhà máy thuỷ điện, 11 nhà máy nhiệt điện than, 5 nhà máy tuabin khí, có tổng công suất hơn 9.000 MW. Bên cạnh đó, còn có 26 nhà máy điện gián tiếp tham gia vào thị trường này, tùy từng nhà máy sẽ do Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia công bố biểu đồ huy động, biểu đồ phát hoặc do Công ty Mua Bán điện chào giá thay.

Ngoài ra, 20 nhà máy điện khác cũng nằm trong danh sách dự kiến tham gia thị trường phát điện cạnh tranh khi chính thức vận hành thương mại.  

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, một số nhà máy thủy điện đa mục tiêu như: Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Trị An, Yaly... sẽ không tham gia thị trường, vì những nhà máy này không chỉ phát điện mà còn phải thực hiện nhiệm vụ chống lũ. Một số nhà máy thủy điện nhỏ ngoài EVN có hồ điều tiết theo ngày đêm, không phải theo tuần nên cũng không tham thị trường.

Điều dư luận băn khoăn hiện nay là làm sao để thị trường phát điện cạnh tranh được thực hiện minh bạch, khi mà một số nhà máy vẫn do EVN nắm 100%, một số nhà máy khác EVN nắm cổ phần chi phối; còn Tổng nguồn điện thì EVN nắm đang nắm tới 66% trên toàn hệ thống điện?

Về vấn đề này, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Để đáp ứng được thị trường theo quyết định 26 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2006 thì Bộ Công thương vừa rồi đã thành lập 3 công ty phát điện, tách các tổng công ty này ra hạch toán độc lập, trước mắt vẫn trực thuộc EVN, sau này có điều kiện thì sẽ cổ phần hóa toàn công ty. Như vậy việc minh bạch hóa các nhà máy tham gia thị trường dần dần sẽ được đáp ứng theo yêu cầu của thị trường cũng như quyết định 26 của thủ tướng Chính phủ”.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, việc vận hành chính thức thị trường phát điện cạnh tranh từ 1/7 là bước đi đầu tiên để tiến tới một thị trường hoàn chỉnh vào năm 2022, tức là thị trường bán lẻ cạnh tranh. Khi thiết kế lộ trình, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tham khảo kinh nghiệm nhiều nước như Australia, New Zealand, các nước ASEAN, Mỹ, Anh, Ireland.... và tính tới đặc thù của Việt Nam để thiết kế cho phù hợp. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang cố gắng rút ngắn quá trình chuẩn bị từ nay đến năm 2022 để thị trường bán lẻ cạnh tranh có thể khởi động sớm hơn. Mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao tính cạnh tranh của thị trường để tất cả các nhà đầu tư có nhiều cơ hội để tham gia và được khuyến khích tham gia. Điều mà người dân quan tâm nhất là với việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, thì giá điện có thể thấp hơn không?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng: Rất khó kỳ vọng vào việc giá điện sẽ rẻ đi ngay lập tức khi áp dụng thị trường phát điện cạnh tranh. Bởi hiện nay giá điện của chúng ta được coi là thấp so với giá điện của các nước trong khu vực. Hiện nay rất nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện lực đặc biệt các nhà máy điện đang trong tình trạng khó khăn về tài chính. Khi đã nói về thị trường thì phải có lúc tăng có lúc giảm, nhưng trong giai đoạn trước mắt giá điện của chúng ta trong nhiều năm vừa qua thấp khi vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thì thông thường các nhà máy chào với giá cao hơn giá chúng ta đang quy định hiện hành”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết, trong thời gian tới, khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Điện lực, với việc hình thành và phát triển các cấp độ của thị trường điện, cùng với đó là tái cơ cấu ngành điện, nhiều thành phần kinh tế khác tham gia vào, thì tính minh bạch sẽ tăng cao. Hiệu quả, năng suất lao động của ngành điện cũng được tăng lên. Tới lúc đó, giá điện sẽ ở mức có thể chấp nhận được.

Thị trường phát điện cạnh tranh được triển khai từ nay đến năm 2014, từ 2014 đến năm 2022 hình thành thị trường bán buôn cạnh tranh và sau năm 2022, sẽ có thị trưởng bán lẻ cạnh tranh. Khi đó, mỗi khách hàng sử dụng điện có thể lựa chọn nguồn điện mình sẽ mua ở đâu, giá điện lúc đó sẽ do thị trường quyết định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên