Cơn bĩ cực của 3 tập đoàn lớn ở Hàn Quốc
Thứ Bảy, 07:00, 08/10/2016
Trong khi hãng vận tải biển lớn nhất Hàn Quốc sắp phá sản, Samsung thu hồi 2,5 triệu điện thoại thông minh vì nguy cơ cháy nổ và Lotte vật lộn với hàng loạt bê bối.
Hồi đầu tháng 9, tập đoàn Samsung thông báo sẽ thu hồi 2,5 triệu điện thoại thông minh Galaxy Note 7 trên toàn thế giới do nguy cơ cháy nổ pin, sau khi vài máy nổ trong quá trình sạc. Đây là đợt thu hồi sản phẩm điện thoại di động lớn nhất trong lịch sử. Ảnh: Cnet. |
Koh Dong Jin, người đứng đầu mảng thiết bị di động của Samsung, thừa nhận rằng tổn thất tài chính vì chiến dịch thu hồi Galaxy Note 7 là "một con số đau lòng". Theo tính toán của Bloomberg, tập đoàn Hàn Quốc có thể mất tới 1 tỷ USD cho chiến dịch thu hồi sản phẩm. Ảnh:The Verge. |
BBC nhận định rằng trong trường hợp của Samsung, cấu trúc doanh nghiệp không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới nguy cơ cháy nổ ở pin của điện thoại Galaxy Note 7. Ảnh: gsmarena.com. |
Hàng loạt bê bối, từ đấu tranh quyền lực trong nội bộ gia đình đến chuyện hối lộ quan chức, khiến Lotte, tập đoàn lớn thứ 5 Hàn Quốc, lao đao trong vài tuần qua. Ảnh: Korea Herald. |
Hôm 10/6, hơn 200 công tố viên Hàn Quốc đột kích 17 địa điểm liên quan đến Lotte Group, gồm văn phòng của người sáng lập tập đoàn tại Khách sạn Lotte ở Seoul, cũng như nhà của đương kim Chủ tịch Shin Dong Bin, để thu thập chứng cứ về hành vi tạo quỹ đen thông qua giao dịch nội bộ để trốn khoản tiền thuế 533 triệu USD. Ảnh: Yonhap. |
Ông Shin Dong Bin, Chủ tịch tập đoàn Lotte, khóc trong lễ tang của ông Lee In Won, Phó chủ tịch tập đoàn Lotte, hôm 28/8. Ông Lee tự sát ngay trước khi các công tố viên chuẩn bị thẩm vấn ông về những bê bối trong tập đoàn. Cảnh sát tuyên bố cái chết của Lee không ảnh hưởng tới quá trình điều tra Lotte. Ảnh: Korea Herald. |
Theo giới truyền thông Hàn Quốc, ông Shin Dong Bin (người cầm micro) bí mật tiếm quyền cha để sa thải anh trai Shin Dong Joo ra khỏi Lotte. Ngoài ra, các báo còn nói Dong Bin mạo nhận quyền thừa kế và ra đẩy người cha ra khỏi vị trí chủ tịch, hoàn tất việc kế nhiệm với tư cách người đứng đầu doanh nghiệp của gia đình. Ảnh: Korea Herald. |
Cấu trúc phức tạp của Lotte có thể là một trong những nguyên nhân khiến họ rơi vào khủng hoảng. Lotte bao gồm hơn 60 công ty con, hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực - từ bán lẻ, khách sạn, xây dựng, hóa chất tới tài chính. Ảnh: AP. |
Hanjin Shipping - hãng vận tải biển lớn nhất Hàn Quốc và lớn thứ 7 thế giới thuộc tập đoàn Hanjin - đối mặt nguy cơ phá sản do thương mại toàn cầu giảm, khiến nhu cầu vận chuyển bằng tàu giảm theo. Hiện tại Hanjin Shipping ngập sâu trong nợ nần và nhiều chủ nợ muốn tịch thu tàu của hãng để trừ nợ. Trước tình thế đó, hãng yêu cầu tòa án cấm các chủ nợ tịch thu tàu. Giới chức Hàn Quốc xác nhận Hanjin Shipping muốn nộp đơn xin phá sản tại hơn 40 nước để bảo vệ những đội tàu của họ. Ảnh: Getty. |
Nhiều nhà phân tích nhận định Hanjin Shipping lao đao một phần là do bà Choi Eun Young, người điều hành công ty từ năm 2007 tới năm 2014, không có năng lực. Eun Young là con dâu của ông Cho Choong Hoon, người sáng lập tập đoàn Hanjin. Hồi tháng 6, các công tố viên Hàn Quốc cáo buộc rằng bà từng bán cổ phiếu của công ty trước khi giá cổ phiếu lao dốc vì tin xấu. Ảnh: Korea Times. |
Giới phân tích nhận định kiểu bổ nhiệm người nhà không có năng lực vào những vị trí chủ chốt sẽ khiến Hanjin Shipping nói riêng và tập đoàn Hanjin đối mặt nhiều nguy cơ hơn trong tương lai. Ảnh: Yonhap. |
Công nhân ở các cảng biển tại Hàn Quốc kêu gọi chính phủ và những chủ nợ cứu Hanjin Shipping để họ có thể giữ công việc. Ảnh: AP. |