Còn do dự trong lựa chọn mô hình kinh tế Việt Nam

87% người trả lời khảo sát của VCCI cho rằng kinh tế thị trường là ưu việt nhất, nhưng tới 68% cho rằng nhà nước nên can thiệp điều hành giá cả.

Những chỉ số…

Kết quả khảo sát “Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam (CAMS 2011)” do VCCI chủ trì vừa công bố, cho thấy, riêng câu hỏi về mô hình kinh tế nào là ưu việt, có đến 87% người trả lời cho rằng mô hình kinh tế thị trường ưu việt hơn bất kỳ mô hình kinh tế nào khác. Ngược lại, chỉ có gần 7% cho rằng mô hình kinh tế nhà nước (KTNN) ưu việt hơn mô hình kinh tế thị trường (KTTT) và hơn 6% cho rằng KTNN hay KTTT không quan trọng.

Nhiều người dân muốn Nhà nước điều hành giá xăng dầu mặc dù họ đề cao mô hình kinh tế thị trường

Trong cảm nhận của người dân, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa thực sự có nền KTTT, dù đã tiến hành công cuộc đổi mới trong suốt 25 năm qua. Cảm nhận của người dân phản ánh rất rõ tình trạng “tranh tối tranh sáng” giữa nền KTTT và kinh tế tập trung ở Việt Nam: trung bình 25% người trả lời cho rằng nền kinh tế Việt Nam hiện nay về cơ bản là một nền KTTT, trong khi 22% cho rằng nền kinh tế Việt Nam hiện nay cơ bản là nền KTNN. Tuy nhiên, chưa đến 1/2 số người có chính kiến rõ ràng, còn phần lớn băn khoăn liệu Việt Nam có nền KTNN hay KTTT hay vừa phần này, vừa phần kia.

CAMS 2011 còn chỉ ra những chỉ số về tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin trong nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, 92% số người trả lời cho rằng mức độ minh bạch cao là cần thiết, có 5% cho rằng không minh bạch là hoàn toàn bình thường còn 3% cho rằng vấn đề minh bạch hay không không quan trọng. Cùng với đó, có 17% cho rằng quá trình hoạch định và thực thi chính sách của Việt Nam có tính minh bạch cao, còn 35% cho rằng quá trình này vẫn còn khép kín.

Cạnh đó, 47% người trả lời có cảm nhận về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay tốt hơn so với 5 năm trước, nhưng có 18% không đồng ý quan điểm này. Và, có 41% số người không hài lòng về tình hình hiện tại của nền kinh tế, chỉ có 18% người trả lời hài lòng.

Trong CAMS 2011 còn chỉ ra hàng loạt chỉ số liên quan đến cảm nhận về vấn đề giá cả và thị trường. Theo đó, 68% người trả lời cho rằng nhà nước nên can thiệp vào thị trường để bình ổn giá của những mặt hàng thiết yếu tiêu thụ bởi các hộ gia đình. Chỉ có 28% cho rằng giá cả nên được quyết định bởi thị trường. Có 57% người trả lời đánh giá các chương trình bình ổn giá không hiệu quả.

Mâu thuẫn, nhưng không bất ngờ…

Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, qua những chỉ số mà CAMS 2011 nêu ra cho thấy một bức tranh tương đối mâu thuẫn là đa số người Việt Nam ủng hộ cao mô hình KTTT (87%), sở hữu tư nhân đối với doanh nghiệp, đòi hỏi minh bạch cao trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách… nhưng lại ủng hộ việc Nhà nước nên can thiệp vào thị trường liên quan đến giá cả các hàng hóa thiết yếu (68%). Trong khi đó, quy luật rất quan trọng của nền KTTT là giá cả theo thị trường.

Bà Phạm Chi Lan lý giải: Lý do thứ nhất là phần lớn hàng hóa thiết yếu tiêu thụ bởi các hộ gia đình chủ yếu vẫn do các DNNN kinh doanh độc quyền, thống lĩnh thị trường (như điện, xăng dầu, ngoại tệ, vàng, đất đai, các nguyên liệu cơ bản, dịch vụ tài chính, hàng không, đường sắt,…) nên người dân lo ngại về hệ quả xấu nếu Nhà nước không có sự kiểm soát tốt.

Thứ hai, có thể do cách truyền thông và các thông điệp liên quan từ các phương tiện truyền thông. Cụ thể, mỗi khi có biến động về giá cả trên thị trường, nhìn chung, các cơ quan truyền thông thường đổ lỗi cho đầu cơ, lợi dụng của những người kinh doanh để trục lợi; đồng thời yêu cầu các cơ quan nhà nước có liên quan phải can thiệp kịp thời.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chương trình bán hàng bình ổn giá không hiệu quả vì hàng bình ổn chỉ bán nhiều ở siêu thị, tại các đô thị mà không đến được với dân nghèo

Trong hoàn cảnh này, thông điệp của dân chúng thường là Nhà nước can thiệp thì tốt, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng hơn là để thị trường tự quyết định giá.

Bà Lan bổ sung thêm, có thể do bối cảnh kinh tế khó khăn, tình trạng lạm phát, giá cả tăng cao trên nhiều lĩnh vực những năm gần đây, kỳ vọng của người dân Việt Nam về vai trò của Nhà nước trong can thiệp và bình ổn giá cả tăng lên…

Nhưng trên hết, bà Lan nhấn mạnh, “có thể do nhận thức và hiểu biết về kinh tế thị trường, sự vận hành của thị trường và tác dụng của nó trong giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế của tất cả các bên có liên quan còn hạn chế; sự do dự trong lựa chọn giữa thị trường và nhà nước, trong nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường vẫn còn đâu đó với mức độ khác nhau trong mỗi người Việt Nam”.

Theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, tỷ lệ 87% ủng hộ KTTT là biểu hiện đáng mừng. Bởi vì, đây đó đi học người ta vẫn được dạy là Chủ nghĩa Tư bản đang giãy chết, nhưng vẫn dũng cảm đánh giá KTTT tốt hơn. Nhất là khi đang xảy ra khủng hoảng về mô hình nhà nước, mô hình thị trường ở nhiều nơi trên thế giới. Không có gì ngạc nhiên khi sự ủng hộ này đến từ những người dưới 30 tuổi cao hơn nhiều. Bởi, ông Doanh nhấn mạnh, “có người chết đi không bao giờ thay đổi được các ý kiến mình đã có một thời, kể cả bây giờ vẫn có người ca tụng nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung”.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ sự trải nghiệm với KTTT. Bởi với những người đã từng sống trong thời kinh tế tập trung, phải xếp hàng mua rau từ 5h sáng thì thực trạng kinh tế hiện nay đã thay đổi dữ dội và cải thiện nhiều.

Về chương trình bình ổn giá, những năm gần đây nhà nước chi tiền hỗ trợ một số doanh nghiệp được lựa chọn (cung cấp vốn vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp) để bán các loại hàng thiết yếu ở mức thấp hơn giá thị trường.

Các cơ quan quản lý nhà nước thường đánh giá chương trình này có tác dụng nhất định trong kiềm chế lạm phát, hạn chế tăng giá các mặt hàng cần quản lý giá. Tuy vậy, nhiều phân tích khác lại cho rằng đây là chương trình không có hiệu quả, hàng hóa chủ yếu cung cấp trong các siêu thị lớn, không đến được trực tiếp người nghèo- đối tượng cần hỗ trợ nhất, khó giám sát mức giá bán thực tế và mức giảm hợp lý so với giá thị trường, gây méo mó thị trường, tao cơ hội cho tiêu  cực, tham nhũng…”

Theo khảo sát CAMS 2011, có 57% người trả lời đánh giá các chương trình bình ổn giá không hiệu quả, có 36% đánh giá chương trình này hiệu quả.

Về điểm này, TS Lê Đăng Doanh bình luận: Chương trình này mang lại lợi rất lớn cho một số người nên họ sẽ hô bình ổn giá muôn năm. Còn công nhân và nông dân thường mua hàng chợ cóc, chợ quê, mua dọc đường chắc chắn không được hưởng gì từ bình ổn giá.  

TS Doanh nhấn mạnh: “Chỉ số 90% người trả lời không tin vào quy định luật pháp là bức tranh hết sức quan trọng để nói là KTTT của Việt Nam đang thế nào mà từng đó người không tin vào luật pháp? Thực tế, luật một đằng, thực thi một nẻo. Nếu là một người dân bình thường, đi tiếp xúc cơ quan công quyền, từ những việc rất nhỏ thì khoảng cách giữa văn bản giấy tờ và thực thi còn hết sức xa, thậm chí chả có mối quan hệ nào cả”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên