Cơn “sốt” đầu tư tiền ảo – Nguy cơ mất trắng tiền tỷ
VOV.VN - Mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng kinh doanh tiền ảo vẫn đang hút hàng nghìn người đầu tư.
Không chỉ mua đi bán lại, kinh doanh tiền ảo đang có những biến tướng tinh vi dưới mô hình đa cấp. Hoạt động này diễn ra công khai và ngày càng mở rộng mạng lưới trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Vậy nhưng, cho đến nay quản lý loại hình kinh doanh này gần như bị bỏ ngỏ.
Nhiều buổi hội thảo tổ chức công khai mời gọi kinh doanh tiền ảo |
Lợi nhuận “khủng” từ đâu ra?
Sau đồng Bitcoin – một loại tiền điện tử, hay còn gọi là “tiền ảo”, tại Việt Nam liên tiếp xuất hiện các loại tiền ảo khác như Onecoin, Octacoin, Swisscoi…
Phóng viên Đài TNVN liên hệ với một người đầu tư vào tiền ảo đã lâu, thì được biết, để đầu tư vào những loại tiền này rất đơn giản, chỉ cần máy tính hoặc điện thoại thông minh đăng nhập vào sàn giao dịch nội bộ công ty phát hành, kinh doanh tiền ảo là có thể mua bán, trao đổi. Theo như lời người này kể thì đây là lĩnh vực đầu tư sinh lời vừa nhanh vừa lớn chưa từng có. “Đầu tư gần 300 triệu đồng vào Onecoin mà vài tháng đã lấy hết tiền vốn, giờ mỗi tháng thu được 40-50 triệu đồng. Đầu tư vào Bitcoin cũng có lãi. Lúc mua vào 1 đồng Bitcoin là 12,5 triệu đồng. Lúc lên giá bán được hơn 17 triệu đồng. Mình đầu tư ít, nhiều người đầu tư hàng tỷ đồng.”
Không chỉ mua bán, những trang mạng kinh doanh tiền ảo còn có mô hình hoạt động tinh vi dưới dạng đa cấp biến tướng. Nghĩa là càng kêu gọi được nhiều người tham gia thì càng được hưởng hoa hồng “khủng”, kèm theo đó là phần thưởng hấp dẫn như ô tô, du lịch thế giới…
Điển hình như Airbit Club, dù mới vào Việt Nam được hơn 3 tháng, nhưng số người tham gia đã lên tới khoảng 4.000 người. Với các gói đầu tư từ 250 USD- 500 USD- 1.000 USD, tính ra, người dân ở khắp các tỉnh thành trong cả nước đã bỏ vào mạng lưới này ít nhất từ 1 - 2 triệu USD, chỉ trong một thời gian ngắn.
Với chiêu trò trả hoa hồng trực tiếp 20% và được hưởng hoa hồng gián tiếp là 10 USD cho mỗi người ở các mạng lưới tiếp theo, rồi tính cả gốc lẫn lãi và hoa hồng được hưởng từ tuyến dưới, người tham gia có thể thu về tối đa từ 500 USD/ngày đến 10.000 USD/ngày, không ít người đang ra sức mở rộng hệ thống, thậm chí về cả những vùng sâu vùng xa để mời chào bạn bè, người thân tham gia.
Lý giải về con số lãi khủng này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, thực chất hệ thống này trả tiền hoa hồng đa cấp, người tham gia sau trả tiền cho người tham gia trước và đầy rủi ro, nguy mất trắng tiền nếu chẳng may hệ thống này đổ vỡ.
"Mô hình kinh doanh khá giống như đa cấp nhưng không có hàng hóa thật và không có tiền thật. Giá trị phụ thuộc vào niềm tin nên lên xuống rất nhanh, có lúc lên đến hàng nghìn USD hoặc xuống mấy chục USD. Tỷ suất sinh lời mà công ty tiền ảo hứa cam kết rất cao, nhưng khi xảy ra rủi ro, về mặt pháp lý không có cơ quan đứng ra bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ thực hiện, người đầu tư sẽ không lấy lại được tiền. Về cơ bản nó giống như chơi bạc," TS Lực cho hay.
Kinh doanh tiền ảo theo mô hình đa cấp biến tướng lôi kéo nhiều người tham gia với mức chia hoa hồng khủng |
Lỗ hổng quản lý, hệ lụy khó lường
Hiện nay, quản lý về kinh doanh đa cấp và thương mại điện tử thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương mà cụ thể là Cục Quản lý cạnh tranh và Cục Thương mại điện tử - Công nghệ thông tin. Hai đơn vị này đều khẳng định chưa cấp phép cho bất kỳ công ty kinh doanh tiền ảo nào.
Đề cập đến trách nhiệm quản lý, thì đại diện Cục Thương mại điện tử - Công nghệ thông tin cho biết, tiền ảo không được coi là hàng hóa nên không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Ngoài ra, mô hình này nếu là kinh doanh đa cấp biến tướng thì thuộc trách nhiệm của Cục Quản lý cạnh tranh.
Trong khi đó, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng: "Cái này nằm ngoài quy định 42 về kinh doanh đa cấp và quy định của luật cạnh tranh. Kinh doanh đa cấp thì chỉ cho bán hàng chứ không được huy động vốn, cái đó bị cấm. Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã cảnh báo đến người dân nhưng người dân vẫn lao vào. Bên Cục chỉ có thể cảnh báo và nếu phát hiện sai phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra của Bộ Công an xử lý".
Như vậy là, trong khi mô hình kinh doanh tiền ảo theo kiểu đa cấp biến tướng đang vươn rộng ra khắp cả nước, thì đến nay vẫn không rõ trách nhiệm quản lý là của đơn vị nào. Ngay cả Ngân hàng Nhà nước cũng mới chỉ đưa ra cảnh báo nếu rủi ro xảy ra, người sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo không được pháp luật bảo vệ, vì tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Người tham gia chỉ cần có tài khoản đăng nhập vào trang mạng nội bộ để tham gia mua bán tiền ảo |
Theo Luật sư Chu Khang (Đoàn Luật sư Hà Nội), đã đến lúc cần có một hành lang pháp lý cũng như những cụ thể về loại hình tiền ảo này. Bởi nếu không, sẽ xảy ra tình trạng “đá bóng” trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng. Còn những mô hình kinh doanh tiền ảo theo kiểu đa cấp cứ mặc sức mà tung hoành.
Mới đây, Bộ Tư pháp đưa ra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự năm 2015. Theo đó, vẫn giữ Điều 292 về Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Luật sư Chu Khang cho rằng, một trong những điểm đáng chú ý là kinh doanh đa cấp qua mạng trái phép có thể bị xử lý hình sự. Đây có thể là cơ sở pháp lý để khắc phục những lỗ hổng trong quản lý bấy lâu nay đối với mạng kinh doanh tiền ảo trái phép.
Những năm gần đây, hàng loạt các công ty kinh doanh đa cấp biến tướng hoặc lừa đảo bị phanh phui, như công ty MB24 lôi kéo 17.000 người kinh doanh gian hàng ảo qua mạng, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, hay công ty Liên kết Việt lừa đảo hơn 60.000 người tham gia mạng lưới đa cấp với số tiền lên tới 1.900 tỷ đồng. Đó là những bài học đắt giá, nhưng vẫn không đủ để cảnh tỉnh hàng nghìn người đang lao vào các mạng đầu tư tiền ảo theo mô hình đa cấp.
Khi những “chiếc bánh vẽ” về lợi nhuận, lãi suất, hoa hồng vẫn được bày ra, thì vẫn còn những cảnh lôi kéo, mời chào để mở rộng hệ thống. Và khi chưa có các quy định pháp lý chặt chẽ, thì cũng khó để siết chặt quản lý hoạt động này. Không ai dám chắc, trong tương lai sẽ không có những vụ lừa đảo hay rủi ro, mà người dân chỉ biết xót xa, chẳng biết số tiền mình gửi đã đi đâu, về đâu./.