“Cơn sốt” giá đường có lặp lại?
Từ nay tới cuối năm, dự báo nhu cầu tiêu thụ đường rất lớn, nếu không kiểm soát các đại lý thì tình trạng găm hàng, đẩy giá chắc chắn sẽ xảy ra
"Cơn sốt" giá đường như hồi năm 2008 rất có thể sẽ trở lại trong thời gian tới khi lượng dự trữ đường trong nước đang ở mức rất thấp. Trong khi đó, việc nhập khẩu đang khó khăn do giá thế giới cao hơn giá trong nước, giữa lúc nhu cầu tiêu thụ đường đang tăng cao.
Cho phép nhập khẩu đường trở lại?
Tính toán của Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản (NLTS) và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho thấy, đến giữa tháng 7, các nhà máy đã ép được gần 1,15 triệu tấn đường. Lượng tiêu thụ từ đầu năm tới nay khoảng 1,05 triệu tấn, trong đó xuất khẩu đi Trung Quốc “mất” khoảng 100.000 tấn từ hồi tháng 3. Như vậy, lượng đường tồn kho cả nước chỉ còn gần 300.000 tấn. Dù lượng sản xuất cũng như lượng tồn kho đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái, song do mức tiêu thụ năm nay cũng tăng mạnh, dẫn đến khả năng sốt giá đường đang trở lại. Theo kế hoạch đã thống nhất giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng quota nhập khẩu đường cả năm nay sẽ ở mức 250.000 tấn. Thế nhưng đến thời điểm này các doanh nghiệp (DN) mới nhập được 93.000 tấn (tức không bằng lượng xuất đi Trung Quốc).
Hiện tại, giá đường trắng có thuế được các nhà máy xuất kho là 18.300 - 18.500 đồng/kg, giá xuất đi Trung Quốc thời điểm trước là 21.000 đồng/kg, nay giảm xuống còn 19.000 đồng/kg, vẫn cao hơn giá trong nước. Bà Trần Thị Miêng, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại NLTS và nghề muối nhận định: “Hiện tổng cung còn khoảng 450.000 tấn đường, kể cả lượng đường đã cấp hạn ngạch chưa nhập khẩu. Do lượng đường tồn kho không lớn nên rất dễ xảy ra tình trạng sốt giá đường vào cuối vụ, khoảng tháng 10, tháng 11, nếu không có sự kiểm soát chặt về giá”.
Để bình ổn thị trường đường, cần kiểm soát chặt các đại lý, tránh tình trạng găm hàng đẩy giá (ảnh: Internet) |
Để bình ổn thị trường đường, tạo tâm lý yên tâm cho DN chế biến và người tiêu dùng, tránh tình trạng đầu cơ, bà Miêng kiến nghị, nên cho phép các DN tiếp tục được nhập khẩu lượng đường đã được cấp theo hạn ngạch.
Điều tiết không hợp lý
Vấn đề đặt ra tại thời điểm này là, giá đường thế giới đang ở mức đỉnh cao, nên các doanh nghiệp được cấp phép hiện đều “án binh bất động”. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/7 tại sàn giao dịch London, giá đường trắng (tinh luyện) giao tháng 8 đã tăng 19,6 USD lên mức 876,3 USD/tấn (xấp xỉ 18.000 đồng/kg). Hiệp hội Mía đường Việt Nam thông báo, hiện nguồn cung đường từ Brazil (chiếm 54% tổng xuất khẩu đường toàn cầu), đang bị thắt chặt bởi sản lượng sụt giảm sâu.
“Do nguồn cung eo hẹp đúng lúc các nước Hồi giáo đẩy mạnh nhập khẩu để chuẩn bị cho tháng ăn chay càng làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng. Dự báo, giá đường tinh luyện sẽ sớm vượt 900 USD/tấn (khoảng 18.500 đồng/kg)” - ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nói về khó khăn trong việc tìm nguồn đường để nhập khẩu.
Tình hình này khiến các DN trong nước lo ngại. Thậm chí nhiều DN không còn đường để giao. Bà Phạm Thị Sum, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường Biên Hòa cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã nhập hết hạn ngạch được cấp, song đến thời điểm này, lượng đường tồn kho không còn nhiều. Tất cả các đơn hàng ký giao vào quý IV đã hết đường để giao”. DN sản xuất đường đã vậy, DN chế biến thực phẩm còn điêu đứng hơn. Ông Doãn Mạnh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Hà (Kotobuki) cho biết: “Phía công ty được cấp hạn ngạch 500 tấn đường. Song, do giá đường thế giới lên quá cao, nếu nhập khẩu về nước sẽ vào khoảng 22.000 - 23.000 đồng/kg, nên chúng tôi cũng chưa biết sẽ phải tính toán thế nào”. Theo ông Dũng, tại thời điểm tháng 4, tháng 5, khi giá đường thế giới hạ sâu, khoảng 15.000 - 16.000 đồng/kg, thì Hiệp hội Mía đường lại kiến nghị hoãn không nhập. Đến thời điểm này, giá đường đã tăng cao, nếu DN nhập về để chế biến thì chỉ còn nước thua lỗ.
Khi các DN không nhập khẩu đường mà tận dụng đường trong nước đưa vào chế biến sẽ tạo ra cơn sốt trên thị trường. Bởi vậy, từ nay tới cuối năm, nhu cầu tiêu thụ đường rất lớn, nếu không kiểm soát các đại lý thì tình trạng găm hàng, đẩy giá chắc chắn sẽ xảy ra. Nhiều năm qua, giá đường trong nước phụ thuộc hoàn toàn vào các đại lý. Họ ôm hàng, không chịu xuất ra, các doanh nghiệp cũng chào thua. Trong khi đó, việc nhập khẩu cứ “thò, thụt”, lúc rẻ thì hoãn, giờ đắt lại cho nhập, điều tiết không hợp lý. Còn theo bà Phạm Thị Sum, cần quản lý chặt lượng đường xuất đi Trung Quốc, nếu không, bài học của cơn sốt đường 2008 sẽ lặp lại./.