Công khai vận chuyển đường nhập lậu qua biên giới An Giang
VOV.VN - Biết các doanh nghiệp vận chuyển đường cát Thái Lan nhập lậu nhưng lực lượng chức năng không thể bắt và xử lý.
Buôn lậu đường cát Thái Lan qua Campuchia vào biên giới An Giang (Việt Nam) đã và đang diễn ra ngang nhiên, thách thức các lực lượng làm nhiệm vụ chống buôn lậu.
Giám đốc Sở Công Thương An Giang - Mai Thị Ánh Tuyết kiêm Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh này lo ngại tình hình nhập lậu đường cát Thái Lan qua biên giới An Giang thời gian tới càng khó kiểm soát, bởi các doanh nghiệp và hộ kinh doanh ở khu vực biên giới huyện An Phú, TP Châu Đốc và huyện Tịnh Biên tổ chức buôn lậu ngày càng quy mô và tinh vi.
Điển hình như vừa qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu Tịnh Biên bắt ghe chở 3 tấn đường cát nhập lậu tại cống Cây Dương (khóm Xuân Hòa, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên), gần 100 đối tượng đã bao vây lực lượng làm nhiệm vụ, cướp 14 bao (700kg) đường và một máy dầu.
Điểm nóng nhập lậu đường cát Thái Lan trên dòng sông chung biên giới Việt Nam - Campuchia là sông Bình Di, đoạn từ xã Khánh An đến thị trấn Long Bình và xã Khánh Bình thuộc huyện An Phú.
Các doanh nghiệp buôn lậu sử dụng nhiều ghe tải trọng 50-100 tấn làm kho “di động” tập kết đường cát Thái Lan nhập lậu neo đậu trên sông Bình Di phía bờ Campuchia, tổ chức sang bao bì ngay trên ghe; sau đó, dùng xuồng máy và ghe nhỏ chạy tốc độ cao chở hàng vượt sông qua các kho của doanh nghiệp dọc xã Khánh An, Khánh Bình và thị trấn Long Bình, đưa lên xe tải chở về nội địa tiêu thụ.
Các doanh nghiệp buôn lậu đường cát Thái Lan sử dụng hóa đơn GTGT của các công ty, nhà máy sản xuất đường trong nước hoặc hồ sơ mua hàng tịch thu hóa giá của các tỉnh biên giới để hợp thức hóa hàng nhập lậu, đối phó khi bị các lực lượng chống buôn lậu bắt.
Để kiềm chế tình trạng buôn lậu mặt hàng đường cát ở khu vực biên giới huyện An Phú và TP Châu Đốc, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Mai Thị Ánh Tuyết cho biết, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã cho lập nhiều chốt trên Quốc lộ 91C tại cầu Cồn Tiên (xã Đa Phước, huyện An Phú) để ngăn chặn các xe tải vận chuyển đường cát Thái Lan nhập lậu từ biên giới về.
Đơn cử tại chốt Chắc Ri tại phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc được lập để chặn ghe vận chuyển tuyến đường sông Bình Di về. Tuy nhiên, hàng chục xe tải và ghe chở hàng trăm tấn đường cát lậu vẫn tìm cách vượt qua các chốt trạm, nếu bị bắt, chúng chuẩn bị sẵn các hóa đơn của các nhà máy đường trong nước hoặc hồ sơ chứng từ mua hàng hóa giá của các tỉnh biên giới để đối phó.
Ông Đặng Tấn Đắc, Phó phòng PC46 - Công an tỉnh An Giang bức xúc: Mặc dù biết rất rõ các doanh nghiệp ở khu vực biên giới An Phú vận chuyển đường cát Thái Lan nhập lậu nhưng không thể bắt và xử lý.
Theo ông Đinh Văn Tươi, Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang, lực lượng Hải quan tiến hành xác minh thì phát hiện các doanh nghiệp buôn lậu đường cát Thái Lan thành lập nhiều “công ty gia đình” tại TP Long Xuyên, quận Thốt Nốt và tại trung tâm TP Cần Thơ, do vợ hoặc chồng, con cái, anh em đứng tên rồi mua bán lòng vòng để đối phó nhằm buôn lậu.
Ông Tươi nói: Có những vụ xác minh doanh nghiệp ở Châu Đốc mua đường cát tận Hà Nội. Chúng khai vận chuyển về kho biên giới An Giang, sau đó chở ngược lên TP HCM hoặc đi các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tiêu thụ. Dù biết đó là hàng lậu nhưng không thể xử lý.
Ông Đặng Tấn Đắc cho hay, việc trưng cầu giám định cũng không phân biệt được đường nội hay đường ngoại nên cơ quan chức năng phải trả lại hàng hóa cho doanh nghiệp.
Đại tá Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang cũng cho biết, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng từng hỗ trợ lực lượng bắt giữ hàng lậu nhưng không thể xử lý tịch thu được, bởi doanh nghiệp đối phó rất tinh vi./.