Công nghệ trở thành trợ thủ đắc lực, giúp nông dân Bình Dương tăng thu nhập
VOV.VN - Với sự hỗ trợ của công nghệ, nông dân Bình Dương đã chuyển đổi từ phương pháp sản xuất truyền thống sang quy trình hiện đại. Từ đó, năng suất và chất lượng nông sản của tỉnh đã được nâng lên một tầm cao mới, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và cạnh tranh.
Nông dân mạnh dạn sản xuất
Hơn 16 năm gắn bó với cây tiêu, ông Phạm Văn Dũng ngụ ở ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo đã từng đối mặt với nhiều khó khăn như sâu bệnh, giá cả bấp bênh.
Quyết tâm thay đổi, ông mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên diện tích 15.000m². Nhờ đó, sản phẩm tiêu của gia đình ông không chỉ đạt năng suất cao (4 tấn/ha/năm) mà còn được chứng nhận GlobalGAP và “Nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Phú Giáo”, mang lại lợi nhuận lên tới 400 triệu đồng/ha.
Ông Dũng chia sẻ, việc áp dụng khoa học kỹ thuật đã giúp vườn tiêu của gia đình không chỉ nâng cao năng suất mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm, chủ động trong tìm kiếm thị trường và tránh bị thương lái ép giá.
"Ban đầu, cũng bỡ ngỡ nhưng nhờ sự tư vấn nhiệt tình của các kỹ thuật viên, tôi đã nắm vững kiến thức và áp dụng thành công vào sản xuất. Việc đạt được chứng nhận GlobalGAP đã mở ra cơ hội xuất khẩu sản phẩm với giá trị cao hơn", ông Dũng nói.
Một điển hình khác là ông Đinh Ngọc Khương, nông dân sản xuất giỏi ở ấp Nước Vàng, huyện Phú Giáo. Ông đã thành công trong chuyển đổi mô hình sản xuất chăn nuôi gà công nghiệp từ trại hở sang trại khép kín.
Mô hình chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn an toàn sinh học của ông đã được đầu tư hơn 30 tỷ đồng, với hệ thống 28 máy ấp trứng hiện đại. Nhờ đó, trang trại không chỉ tự chủ về con giống mà còn cung cấp cho các hộ chăn nuôi khác.
Ông Khương chia sẻ: Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao giúp trang trại của ông tránh được các rủi ro về dịch bệnh, tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. "Với mô hình chăn nuôi khép kín, tôi có thể rút ngắn thời gian nuôi gà xuống còn 55 ngày so với phương pháp truyền thống (60 ngày). Đồng thời tiết kiệm được lượng thức ăn đáng, khi nuôi trại hở nó hết 2,5 kg cám thì được 1 kg thịt, còn trại lạnh thì chỉ tốn khoảng 2,4 kg cám nên rất lợi cho mình”.
Nhờ sự mạnh dạn, đổi mới và tinh thần dám nghĩ, dám làm của nông dân, Bình Dương đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp.
Hiện nay, tỉnh có hơn 6.900 ha đất trồng được ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến như trồng trong nhà lưới, sử dụng chế phẩm sinh học và hệ thống tưới tự động. Bên cạnh đó, 580 ha đất được dành riêng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trong lĩnh vực chăn nuôi, hơn 90% các trang trại đã áp dụng công nghệ cao, tập trung vào nuôi gà, lợn và vịt.
Tỉnh cũng đã hình thành 4 khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích gần 1.000 ha. Nhờ những nỗ lực này, năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được nâng cao đáng kể, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Hướng đến nông nghiệp bền vững
Theo kế hoạch, Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng trưởng giá trị sản xuất từ 2,5% đến 3%/năm. Đặc biệt, tỉnh phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên trên 30%.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, nông dân kiến nghị tỉnh cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa, đặc biệt trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ và đào tạo nông dân về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng cần được đẩy mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Chủ tịch hợp tác xã dưa lưới Kim Long, chia sẻ: "Việc tiếp cận vốn ưu đãi hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông tại một số địa phương như Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng còn yếu kém, hạn chế việc chuyển đổi số và cập nhật thông tin. Trình độ chuyên môn của nông dân về ứng dụng khoa học kỹ thuật vẫn còn hạn chế, do đó cần có nhiều chương trình tập huấn hơn nữa.”
Trước những mong muốn của nông dân, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ phối hợp với các đơn vị có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Hiện tại, Bình Dương đang tập trung vào phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái và ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt tại 4 huyện phía Bắc, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp với Sở Công Thương phối hợp với các cấp, ngành xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, liên kết hợp tác xã và thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất và các kênh phân phối. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển thương mại điện tử và xây dựng nông thôn kiểu mẫu.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương, cho biết, thời gian qua, tỉnh đã phê duyệt hơn 1.500 tỷ đồng cho vay trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, việc giải ngân còn chậm do chưa bố trí vốn kịp thời. Sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hỗ trợ nông dân và các trang trại tiếp cận vốn vay một cách nhanh chóng và thuận lợi.
Ông Bông cũng nhấn mạnh: "Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với Quỹ đầu tư, Sở Tài chính thẩm tra, thẩm định các phương án và điều kiện quy định sớm hơn để hỗ trợ cho bà con nông dân, cũng như các trang trại kịp thời có nguồn vốn. Từ đó, hộ nông dân, trang trại có vốn thực hiện phương án vay kịp thời, đúng nhu cầu, thời vụ đã đề ra”
Với sự hỗ trợ của công nghệ như hệ thống tưới tự động, nhà kính thông minh và phần mềm quản lý sản xuất, nông dân Bình Dương đã tạo ra một cuộc cách mạng xanh, biến những cánh đồng truyền thống thành những nông trại hiện đại. Thành công của họ không chỉ là niềm tự hào của địa phương mà còn là tấm gương sáng về việc nông dân dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, hành trình phát triển nông nghiệp bền vững còn nhiều thách thức khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho công nghiệp. Do đó, cần có sự hỗ trợ toàn diện từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng để nông dân tiếp tục đổi mới và nâng cao giá trị sản xuất.