Công nghiệp nông thôn khó lớn vì “đói” vốn, “khát” nguồn lực hỗ trợ
VOV.VN - Kinh phí khuyến công mà cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn được hỗ trợ còn khiêm tốn đang làm giảm sức hấp dẫn của chương trình.
Chương trình Khuyến công Quốc gia (KCQG) qua 5 năm triển khai (giai đoạn 2014 - 2018) đã góp sức đáng kể vào phát triển công nghiệp nông thôn của cả nước, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.
Các hoạt động khuyến công đặc biệt là hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, hoạt động đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp…đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, phát triển đời sống văn hoá - xã hội, đặc biệt ở những vùng kinh tế khó khăn.
Kinh phí eo hẹp
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, mang ý nghĩa lớn, song nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện, cấp xã tại nhiều địa phương chưa hình thành, nên việc khai thác, triển hai đề án khuyến công còn khó khăn.
Công nghiệp nông thôn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. |
Đáng chú ý, khoản kinh phí khuyến công mà cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, xây dựng mô hình trình diễn phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới phải tính thuế thu nhập doanh nghiệp… còn khiêm tốn và rời rạc đang làm giảm sức hấp dẫn của chương trình.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Tĩnh cho biết, trong 5 năm qua Hà Tĩnh đã làm tốt công tác khuyến công. Kinh phí khuyến công của Hà Tĩnh đang có sức hút lớn đối với các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn.
Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, nguồn lực còn yếu nên Hà Tĩnh mong muốn có thêm nguồn kinh phí đầu tư cho các dự án khuyến công, như thế doanh nghiệp mới có điều kiện được mở rộng đầu tư sản xuất, tạo động lực cho kinh tế địa phương phát triển.
“Phần lớn nguồn kinh phí đầu tư cho các dự án khuyến công được Trung tâm đầu tư xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Nguồn vốn cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp triển khai đổi mới dây chuyền máy móc, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại còn hạn chế nên chưa tạo ra động lực cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển”, ông Tường nêu thực tế.
Thừa nhận khó khăn về nguồn kinh phí cho chương trình KCQG, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong 5 năm triển khai, tính trung bình mỗi năm tổng kinh phí của chương trình là 130 tỷ đồng, nhưng chia cho 63 tỉnh thành cả nước nên sự hạn chế của nguồn lực sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của KCQG.
“Việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí như thế nào, vai trò của chính quyền địa phương trong việc huy động các nguồn vốn đối ứng, những nguồn vốn từ địa phương để phục vụ cho chương trình sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhìn nhận đánh giá, quan điểm phát triển của lãnh đạo địa phương. Trên thực tế, đã có nhiều địa phương phát huy tốt và tạo ra sự gắn kết giữa các mục tiêu phát triển mang tính toàn diện, tổng thể. Nhưng vẫn có những địa phương đặt nhẹ, không quan tâm chương trình nên tổ chức hình thức, chất lượng không được đảm bảo”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn chỉ rõ.
Dự án khuyến công cần ưu đãi, hỗ trợ
Trong giai đoạn tiếp theo (từ năm 2021 - 2030), Chương trình KCQG đề ra định hướng, mục tiêu đó là tiếp tục hướng đến hỗ trợ đối tượng là các cơ sở công nghiệp nông thôn, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp khu vực nông thôn theo cả chiều rộng và chiều sâu, góp phần tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương.
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn mới, chương trình KCQG cần tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô, tập trung theo chuỗi giá trị. Gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền, phù hợp với nhu cầu thị trường; giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Giải pháp quan trọng nhất trong giai đoạn tới của chương trình KCQG, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, là đổi mới những nội dung hoạt động của khuyến công, có sự lồng ghép khuyến công với các chương trình khác của Chính phủ. Đặc biệt, phải có ưu đãi hỗ trợ cho các dự án để phát triển các công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của làng nghề tại địa phương.
Từ đó, các hoạt động của KCQG bao gồm cả đào tạo chuyển đổi nghề, truyền nghề hay ứng dụng công nghệ… mới có thể biến những hoạt động đó thành những hoạt động sản xuất, thương mại, tạo ra những chuyển biến trong năng lực cạnh tranh sản phẩm, tiếp cận thị trường có hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu lao động ở nông thôn và thành thị./.
Khuyến công Quốc gia thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế