Công nghiệp ô tô: Chính phủ và doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung
VOV.VN - Mặc dù xác định ô tô là ngành công nghiệp quan trọng nhưng mong muốn của chính phủ và doanh nghiệp vẫn còn nhiều điểm khác biệt.
Việc giảm thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN về 0% từ năm 2018; mục tiêu duy trì sản xuất ô tô sau năm 2018 đang là áp lực khiến các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước.
Mặc dù Chính phủ xác định công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp quan trọng và đã có những nỗ lực nhất định để phát triển, song giữa mong muốn của chính phủ và các doanh nghiệp sản xuất ô tô vẫn còn nhiều điểm khác nhau. Cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, nghiên cứu viên của Viện Chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) sẽ làm rõ hơn về vấn đề này.
PV: Xin bà cho biết thực trạng của thị trường ô tô cũng như việc phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay?
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy: Nếu nhìn vào sản lượng của các doanh nghiệp thành viên của VAMA có thể thấy, bắt đầu từ năm 2013, thị trường ô tô của Việt Nam đã phát triển khá tốt, với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên dưới 30%, sản lượng ô tô bán ra trên thị trường tương đối ổn định, sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất cũng tăng trưởng khá tốt.
Nếu nhìn vào số liệu xuất nhập khẩu cũng có thể thấy, việc xuất khẩu phụ tùng linh kiện của Việt Nam cũng tăng trưởng rất tốt. Trong khi đó, việc nhập khẩu xe nguyên chiếc từ năm 2013 cũng đã tăng mạnh, đặc biệt là các dòng xe dưới 9 chỗ.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy trao đổi về công nghiệp ô tô tại Việt Nam. |
Một thách thức khác nữa mà các doanh nghiệp cần phải xem xét và Chính phủ cũng cần có sự hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành xe, bởi hiện tại giá thành xe tại Việt Nam đang cao hơn trên 30%, thậm chí có những xe cao hơn đến 80% so với các nước trong khu vực.
Để làm được điều này, doanh nghiệp cần phải được hỗ trợ cắt giảm chi phí sản xuất trong nước, có liên quan đến rất nhiều các vấn đề về nhập khẩu phụ tùng linh kiện, công nghiệp hỗ trợ cũng như dung lượng thị trường.
PV: Thời gian qua Chính phủ đã có những động thái nào trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy: Chính phủ luôn coi công nghiệp ô tô là một ngành quan trọng, nếu công nghiệp ô tô phát triển sẽ kéo theo rất nhiều doanh nghiệp, các nhà nhà cung cấp cũng như các dịch vụ đi kèm, tạo nhiều việc làm không chỉ trong lĩnh vực ô tô mà còn các lĩnh vực khác.
Ô tô và phụ tùng ô tô đã được Chính phủ đưa vào danh mục các lĩnh vực được ưu đãi đầu tư, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng đã được xem xét đảm bảo giá tính thuế công bằng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước.
Bản thân mức thuế tiêu thụ đặc biệt cũng đã đang được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới tạo thuận lợi cho thị trường ô tô nói chung và các nhà sản xuất ô tô nói riêng.
Một loạt các động thái khác của Chính phủ gần đây như phê duyệt quy hoạch và chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, phê duyệt kế hoạch hành động phát triển công nghiệp và phụ tùng ô tô trong khuôn khổ chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam - Nhật Bản, cũng như phê duyệt Nghị định về công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô. Tất cả những động thái này của Chính phủ đều có một mong muốn là ngành công nghiệp ô tô được phát triển tại Việt Nam.
PV: Trước những nỗ lực của Chính phủ, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đã tận dụng được những lợi thế gì để phát triển?
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy: Thực tế chúng ta cũng cần phải xem xét những nỗ lực của Chính phủ đã phù hợp với mục tiêu cũng như mong muốn của doanh nghiệp hay chưa. Ví dụ như ưu đãi về đầu tư mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, nhưng hầu hết các doanh nghiệp chưa tận dụng được chính sách ưu đãi này, lý do là khi thị trường ô tô còn quá nhỏ, doanh nghiệp cũng chưa thể nghĩ đến việc đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng.
Một vấn đề lớn nhất hiện nay đó chính là Chính phủ và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung, đó là việc làm thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, vượt qua được những khó khăn sau năm 2018. Lúc đó cần đảm bảo sản xuất trong nước cạch tranh được với sản phẩm nhập khẩu từ ASEAN, nên rất cần thiết phải có những giải pháp cụ thể.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng công nghiệp ô tô từ trước đến nay đã được hưởng rất nhiều ưu đãi, nhưng vẫn chưa phát triển được. Các nhà nghiên cứu cho rằng, mặc dù được ưu đãi nhưng chưa có cơ hội về thị trường thì doanh nghiệp vẫn cần phải có thời gian đặc biệt đối với ngành công nghiệp ô tô.
Hơn nữa, khi chính phủ đưa ra các chính sách ưu đãi cũng không có cam kết, hay thỏa thuận với phía doanh nghiệp một cách chắc chắn, như cam kết về tỷ lệ nội địa hóa doanh nghiệp không thực hiện được nhưng không có chế tài hay thỏa thuận nào ràng buộc.
Do vậy, để thực hiện chương trình hỗ trợ công nghiệp ô tô thì rất cần sự nỗ lực từ hai phía, đặc biệt là Chính phủ và doanh nghiệp phải đưa ra được những cam kết cụ thể, chế tài xử lý tránh việc doanh nghiệp lợi dụng vào chính sách ưu đãi mà không nỗ lực thực hiện.
PV: Bà có đánh giá thế nào về đề xuất của Chính phủ trong việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc?
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy: Một nguyên nhân khiến cho giá ô tô tại Việt Nam hiện nay cao hơn các nước trong khu vực là do thuế. Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ góp phần tăng giá xe rất lớn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ là giải pháp để giảm giá thành xe. Khi giá xe xuống thấp sẽ kích thích thị trường ô tô phát triển.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một cách thấu đáo hơn, đó là khi giảm giá thành xe, đặc biệt là giảm thuế đột ngột sẽ tạo ra thị trường. Nhưng khi thị trường phát triển quá nóng các doanh nghiệp trong nước sẽ không kịp đáp ứng nhu cầu mà cần phải có thời gian để đầu tư, mở rộng sản xuất và tăng sản lượng. Vô hình chung việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đã tạo cơ hội cho các xe nhập khẩu tràn vào Việt Nam, gây áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Do đó, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt là hợp lý nhưng phải giảm ở mức phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước, song hành với việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước. Chính phủ cần phải lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp có ý định sản xuất xe trong nước, đảm bảo lợi ích cân bằng giữa các doanh nghiệp.
PV: Xin cảm ơn bà./.