Covid-19 thúc đẩy xu hướng “thanh toán không tiền mặt” tại châu Á-Thái Bình Dương
VOV.VN - Cùng với tốc độ lây lan đáng lo ngại của đại dịch Covid-19, thanh toán kỹ thuật số đang trở thành một xu hướng không chỉ trên thế giới, mà còn tại châu Á Thái Bình Dương.
Người tiêu dùng ngày càng tích cực sử dụng sàn thương mại điện tử cũng như nhanh chóng đón nhận các phương thức thanh toán di động hay thanh toán kỹ thuật số. Theo ước tính, ở nhiều quốc gia, đại dịch Covid-19 đã rút ngắn ít nhất là 5 năm quá trình chuyển đổi số.
Giờ đây, thay vì lúc nào cũng lo lắng vì mang quá nhiều tiền mặt, người tiêu dùng có thể yên tâm khi ra đường chỉ với một chiếc thẻ tín dụng hay đơn giản là điện thoại và đồng hồ thông minh. Tại nhiều quốc gia, đại dịch Covid-19 đã rút ngắn quá trình chuyển sang thanh toán không tiền mặt. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng lên kế hoạch phát hành tiền kỹ thuật số, mà dẫn đầu là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc, đồng thời là phó Chủ tịch Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Chu Tiểu Xuyên nhận định: “Mỗi quốc gia đều có nhu cầu phát triển riêng. Chúng ta có thể kỳ vọng rằng về lâu dài, các đồng tiền kỹ thuật số trên thế giới có thể hội nhập và vấn đề tỷ giá hối đoái có thể trở nên bớt phức tạp hơn. Đây là một hướng phát triển".
Hồi cuối năm ngoái, Google, Temasek của Singapore và công ty đầu tư mạo hiểm Bain & Company đã cùng thực hiện một nghiên cứu về sự tiếp nhận các công nghệ nền tảng kỹ thuật số trên khắp Đông Nam Á. Kết quả cho thấy, tại 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam), lần đầu tiên số người truy cập internet lên tới 40 triệu người trong năm ngoái 2020, nâng tổng số người dùng internet trong khu vực lên 400 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số của các quốc gia này so với 250 triệu người vào năm 2015.
Đồng thời, quy mô nền kinh tế internet của khu vực cũng lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD. Nếu xu hướng này được duy trì, báo cáo dự đoán, con số này có thể sẽ tăng gấp 3 lần lên hơn 300 tỷ USD vào năm 2025.
Một báo cáo mới hơn của Mastercard công bố hôm 4/5 bổ sung chi tiết hơn về những tác động hàng ngày của đại dịch, đặc biệt là đối với thói quen chi tiêu hàng ngày của người tiêu dùng. Báo cáo cho thấy, sự tiếp cận các công nghệ thanh toán kỹ thuật số đã tăng lên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cụ thể, 94% người được hỏi nói rằng họ sẽ cân nhắc sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán mới nổi trong năm tới như mã QR, ví điện tử hoặc điện thoại di động, gói trả góp, tiền điện tử, sinh trắc học...
Theo Phó Chủ tịch Điều hành sản phẩm và đổi mới của Mastercard - Sandeep Malhotra, người tiêu dùng ở Châu Á Thái Bình Dương đã có những thay đổi lớn về thói quen thanh toán và điều này không chỉ bắt nguồn từ nhu cầu, mà còn dựa trên những cân nhắc về an toàn cá nhân, bảo mật và sự tiện lợi, vào thời điểm mà những mối quan tâm này là tối quan trọng.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, dù là tiền kỹ thuật số hay tài sản kỹ thuật số, thì tất cả đều phải tích hợp và phục vụ nền kinh tế thực và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là bài học nhãn tiền. Một khi nền tài chính tách ra khỏi nền kinh tế thực, thì nguy cơ chệnh hướng là không thể tránh khỏi./.