CPI cả năm 2012 có thể chỉ ở mức 5%
Nếu CPI năm 2012 khoảng 5% thì đây là lần thứ hai trong vòng 6 năm qua lặp lại tình trạng hai năm lạm phát cao, một năm lạm phát thấp.
Điều đáng ghi nhận là CPI đã giảm khá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2012. So với tháng 5/2012, CPI tháng 6 âm 0,26%, là mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua và tháng đầu tiên giảm phát sau 40 tháng tăng liên tục. So với tháng 12 năm 2011, CPI tháng 6 năm 2012 chỉ 2,52%, là một trong rất ít năm có mức CPI 6 tháng đầu năm khá thấp kể từ năm 1993 đến nay.
Kiềm chế lạm phát - mới thành công trong ngắn hạn
“Căn cứ tình hình 6 tháng qua và những gì đang diễn ra đã có cơ sở để dự báo tốc độ lạm phát cả năm 2012, chỉ khoảng xấp xỉ 5%. Nếu kịch bản này xảy ra thì về hình thức mục tiêu chính sách về kiềm chế lạm phát năm 2012 đã thành công (định hướng chính sách CPI ở mức 8-9%)” – nguyên Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Trần Xuân Giá đưa ra nhận định.
Tuy nhiên, ông Trần Xuân Giá cũng đưa ra băn khoăn của mình, liệu kết quả đạt được có bền vững hay lạm phát cao có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào; liệu có phá được cái vòng luẩn quẩn: “Hai năm lạm phát cao, một năm lạm phát thấp” như vừa qua hay không… là điều phải đặc biệt quan tâm".
Theo số liệu thống kê, so với cuối năm trước, CPI năm 2007 là 12,63%; năm 2008 là 19,89% và năm 2009 chỉ 6,53%. Cũng so với cuối năm trước, năm 2010 CPI là 11,75%, năm 2011 là 18,13% và khả năng CPI năm 2012 khoảng 5%.
Tốc độ lạm phát giảm thấp trong 6 tháng đầu năm và dự báo cho cả năm 2012 bắt nguồn từ những nguyên nhân xuất hiện từ năm 2011 (thậm chí cả một vài năm trước đó) và cả những nguyên nhân phát sinh từ đầu năm 2012.
“Nếu kịch bản gần như chắc chắn này xảy ra thì đây là lần thứ hai trong vòng 6 năm liên tiếp lặp lại tình trạng hai năm có tốc độ lạm phát cao, một năm lạm phát thấp. Nhưng tính chung 5 năm từ 2007 đến hết năm 2011 lạm phát trên 13,5%/năm. Còn nếu tính trong 6 năm từ 2007 đến hết năm 2012 lạm phát trên 12%/năm cũng vẫn là con số khá cao” – ông Trần Xuân Giá đưa ra tổng kết của mình.
Kết quả này cho thấy, chúng ta mới thành công về kiềm chế lạm phát trong ngắn hạn, chưa thành công, nếu không muốn nói là thất bại ít nhất là trong trung hạn, chưa nói đến dài hạn. Theo ông Giá, điều này cũng đòi hỏi phải xem lại các chính sách, giải pháp về kiềm chế lạm phát đã thực hiện từ năm 2007 đến nay để không thỏa mãn với kết quả kiềm chế lạm phát năm 2012, để có cách nhìn mới về nguyên nhân gây ra lạm phát và giải pháp thích hợp chống lại nó.
Lạm phát 6 tháng đầu năm 2012 tăng khá thấp rõ ràng có tác động nhất định của việc thực hiện các giải pháp có tính chất tình thế của Nghị quyết 11 năm 2011 và gần đây là Nghị quyết 13 năm 2012 của Chính phủ, như: Tăng cường quản lý chi tiêu NSNN và xiết đầu tư công; Kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, tín dụng; Các biện pháp tăng cường quản lý giá cả, thị trường…
Nhưng có lẽ điều cần đặc biệt quan tâm là tốc độ lạm phát chậm lại do những nguyên nhân ngoài ý muốn, nhưng tác động khá mạnh đến CPI như: sức mua giảm, hàng tồn kho tăng, tín dụng giảm mạnh… “Do nền kinh tế đang rơi vào trạng thái suy giảm nên các yếu tố không mong muốn trên đây chắc chắn sẽ còn tiếp tục tác động mạnh đến mặt bằng giá cả thị trường trong các quý tới và cả năm 2012” – ông Trần Xuân Giá nhận định.
Cẩn thận lại mắc vào vòng luẩn quẩn
Điều khiến một người có nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, điều hành giá cả như ông Trần Xuân Giá lo ngại là chúng ta mới chủ yếu áp dụng các giải pháp tình thế, ngắn hạn, tập trung vào các giải pháp liên quan đến tiền tệ. Các giải pháp cơ bản hơn như tái cơ cấu quản trị, điều hành; tái cấu trúc kinh tế; các giải pháp thị trường... hầu như chưa thực hiện được bao nhiêu. Kinh nghiệm lịch sử cho hay, việc phải áp dụng các giải pháp tình thế, nặng về hành chính là cần thiết, nhưng tác dụng của nó là có giới hạn và nhất thời. Do đó, nếu không có những giải pháp cơ bản hơn thì lạm phát năm 2012, có thể rất thấp, nhưng năm 2013, và có thể cả năm sau đó nữa lạm phát cao sẽ bùng phát trở lại và biết đâu chu kỳ 3 kể từ năm 2007 của vòng luẩn quẩn “hai năm lạm phát cao, một năm lạm phát thấp” lại bắt đầu từ 2013.
Hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày cũng ế ẩm (ảnh KT) |
Vì vậy, theo ông Trần Xuân Giá, ngay từ bây giờ cần thực hiện song song hai nhóm giải pháp chính. Một là, kiềm chế, nhưng tốt hơn là chặn đứng đà suy giảm sâu hơn của nền kinh tế, coi đó là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, bởi lẽ chặn đứng được đà suy giảm kinh tế sâu hơn và từng bước lấy lại đà tăng trưởng kinh tế bền vững là điều kiện quan trọng nhất để ổn đinh kinh tế vĩ mô, kiềm chế được tốc độ lạm phát sao cho tốc độ lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và trên nền đó từng bước thực hiện các mục tiêu về đảm bảo an sinh xã hội. Cần thống nhất quan điểm tăng trưởng nóng gây ra lạm phát thì ai cũng biết, nhưng tăng trưởng nguội lạnh cũng gây ra lạm phát cao và khắc phục nó cũng không hoàn toàn đơn giản. Để làm được điều này, theo ông Trần Xuân Giá cần phải chặn đứng đà suy giảm vốn đầu tư toàn xã hội, Cứu hệ thống doanh nghiệp…
Hai là, ngay từ bây giờ, trong khi tiếp tục thực hiện các giải pháp tình thế, cần phải quyết liệt, nhất quán, chủ động thực hiện các giải pháp cơ bản để chủ động chống lạm phát. Đó là các giải pháp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh tranh của cả nền kinh tế cũng như từng ngành, từng doanh nghiệp./.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) Cần các giải pháp kích thích tiêu dùng Chỉ số giá cả âm thì có đáng lo ngại không? Xét về mặt con số thì không có gì đáng lo ngại cả. Vì từ tăng thấp đến giảm nhẹ, kéo CPI tính theo năm xuống. Tính theo năm, CPI đến hết tháng 6 là 6,9%, còn tính bình quân so với cùng kỳ tăng 12,2%. Kể cả hai con số này thì chỉ số giá của VN so với các nước vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, mặt lo ngại không phải là kinh tế lâm vào tình trạng thiểu phát mà cần tìm ra nguyên nhân là tại sao CPI lại tăng thấp, và đến tháng này là âm. Nguyên nhân cơ bản là tổng cầu tiêu dùng của nền kinh tế suy giảm mạnh. Do vậy, chính phủ cần có chính sách kích thích tiêu dùng của người dân. Nghĩa là phải tạo được công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, đồng thời hàng hóa sẽ được tiêu thụ và hoạt động sản xuất sẽ trở lại trạng thái bình thường. Vì đây là vòng tròn khép kín trong hoạt động kinh tế - xã hội, đương nhiên tắc ở một khâu thì kéo theo tất cả cùng khó khăn, vướng mắc. Rất đáng lưu ý trong bối cảnh các bất ổn vĩ mô của nền kinh tế vẫn còn tồn tại và kiềm chế lạm phát đang có dấu hiệu tích cực nếu các biện pháp kích thích tổng cầu không tốt thì lập tức lạm phát cao có thể quay trở lại. VN như đang ở trạng thái trên dây vừa cân bằng được cái này, vừa cân bằng được cái kia nếu không là rơi khỏi dây ngay. Đây là cái khó nhất của năm 2012. Và bài học kinh nghiệm của năm nay là cần nhìn thẳng vào kinh nghiệm năm 2009 sau khi lạm phát tăng thấp thì việc tung ra gói kích thích kinh tế đã đẩy lạm phát của năm 2010 và 2011 tăng vọt lên mức rất cao. |