Cửa khẩu Cầu Treo năng động phát triển
Sau 13 năm thành lập (1998), đến nay cửa khẩu Cầu Treo đã có nhiều thay đổi và đang từng bước trở thành khu kinh tế vững mạnh, phát triển
Nằm trên quốc lộ 8A qua biên giới Việt - Lào, cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có một vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của Hà Tĩnh và các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Xây dựng một đô thị miền núi
Với tổng diện tích hơn 56.000 ha, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo bao gồm các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, khu kinh tế còn có hệ thống rừng sinh thái tự nhiên chiếm gần 80% diện tích với các mỏ thiếc, nước khoáng nóng... trữ lưỡng lớn.
Dòng xe đợi thông quan tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo |
Nhờ có một đặc trưng về địa hình cùng những ưu đãi đặc biệt về tự nhiên, Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo thực sự thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, đầu tư thương mại, dịch vụ...
Đặc biệt, từ sau khi có Quyết định 162 của Thủ tướng Chính phủ, Ban quản lý đã tiến hành triển khai quy hoạch Cầu Treo đến năm 2025 trở thành một “cửa ngõ” giao thương đối với Lào và Đông Bắc Thái Lan qua đường 8 với các cửa biển gần nhất. Chính vì vậy, sau nhiều năm thành lập, từ những vất vả khó khăn, Cầu Treo đã có nhiều chuyển biến về mặt kinh tế.
Để khai thác tiềm năng và lợi thế nhằm phát triển khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thành khu vực kinh tế năng động của Hà Tĩnh, ngày 19/10/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 162/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Hà Tĩnh thay thế cho Quyết định số 177/1998/QĐ-TTg ngày 15/9/1998 về việc áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu kinh tế này. |
Không chỉ vậy, hiện tại Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo còn có 114 doanh nghiệp với 27 công ty cổ phần; 14 chi nhánh; 36 doanh nghiệp tư nhân… Tạo nên một khu kinh tế với đa ngành sản xuất kinh doanh như: Kinh doanh xuất nhập khẩu; Thương mại tổng hợp; Nhà máy thuỷ điện… Giúp tạo công ăn việc làm cho trên 2.000 người lao động hàng năm với thu nhập đảm bảo ổn định cuộc sống.
Để Cầu Treo phát triển bền vững, năng động
Để xây dựng và phát triển Khu kinh tế hiệu quả bền vững, ngoài việc quan tâm đầu tư xây dựng cở sở hạ tầng. Nhà nước đã ban hành các chính sách đặc thù về tài chính để kích thích phát triển sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư vào khu kinh tế.
Nhưng thực tế trong nhiều năm qua, các văn bản về cơ chế chính sách của Nhà nước cho các Khu kinh tế được ban hành quá nhiều và nhanh nhưng lại thiếu tình đồng bộ, còn chồng chéo. Chính vì vậy, khó thực thi có hiệu của, gây tâm lý không ổn định, thiếu tin tưởng cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào Khu kinh tế.
Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, để thu hút được đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Ban quản lý quan tâm nhất là vấn đề cải cách thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính công khai, minh bạch, đơn giản thì các tổ chức, cá nhân mới tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng.
Ông Hoàng Thanh Tùng - Phó Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo |
Ông Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết thêm, bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính, Ban quản lý còn thực hiện đề án 30 của tỉnh, chứng chỉ ISO 2000, hội thảo… qua đó thông tin đến các tổ chức, cá nhân biết về thủ tục thành lập doanh nghiệp cùng những ưu đãi trong Khu kinh tế khi đầu tư.
Nhờ việc cải cách thủ tục hành chính, ưu đãi cho doanh nghiệp… sau 3 năm thành lập, Ban quản lý khu kinh tế đã đưa số lượng doanh nghiệp lúc đầu là 40 lên con số 114 với nhiều lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực du lich sinh thái, lợi thế sẵn có…
Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đang từng bước vượt qua khó khăn của những ngày đầu thành lập để xây dựng một Khu kinh tế vững mạnh và phát triển. Tuy nhiên, điều mong muốn nhất của mọi người nơi đây là xây dựng Khu kinh tế thành một cửa khẩu Quốc tế “Năng động - Hội Nhập và Phát triển”./.