Cung vẫn đang át cầu ngoại tệ
Thời gian gần đây, theo phản ánh của các NH và qua theo dõi trên hệ thống của NHNN lượng ngoại tệ tại hệ thống ngân hàng khá dồi dào.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2013, nhiều ý kiến băn khoăn dư địa điều chỉnh tỷ giá vẫn còn 1 – 2%, liệu cơ quan điều hành có phải sử dụng nốt “room” tỷ giá nữa hay không.
Theo quy luật, cuối năm, bao giờ cầu ngoại tệ cũng tăng lên mạnh do DN vào mùa cao điểm kinh doanh, nhu cầu thanh toán tiền hàng… Và trong trường hợp nếu cung – cầu mất cân đối khả năng điều chỉnh tỷ giá là rất lớn. Nhưng trong những ngày qua, theo phản ánh của các ngân hàng và qua theo dõi trên hệ thống của NHNN lượng ngoại tệ tại hệ thống ngân hàng khá dồi dào. Điều đó cho thấy cầu ngoại tệ vẫn còn yếu.
Theo quy luật, cuối năm, bao giờ cầu ngoại tệ cũng tăng lên mạnh do DN vào mùa cao điểm kinh doanh, nhu cầu thanh toán tiền hàng |
Mặc dù trong tuần trước đó, giá USD tự do có dấu hiệu tăng nhiệt giao dịch lên 21.160 – 21.220 đồng/USD. Theo phân tích của Phó tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung, trước đây thị trường tự do chiếm tỷ trọng lớn so với quy mô thị trường ngoại tệ. Nhưng hiện tại, thị trường này đã bị thu hẹp đáng kể, chiếm quá nhỏ nên không phản ánh được xu thế của một thị trường. Hay nói cách khác, việc giá USD tự do tăng gần như không có tác động gì đến thị trường.
“Trên thị trường liên ngân hàng, ngân hàng vẫn giao dịch 21.092 – 21.095 đồng/USD. Thanh khoản tốt nên không có vấn đề ảnh hưởng bóp méo cung cầu, tâm lý thị trường đang rất tốt”, ông Trung cho biết thêm.
Thực tế sau đó ít ngày, giá USD tự do hạ nhiệt. Việc tỷ giá tự do tăng nhất thời được một chuyên gia làm việc lâu năm trong lĩnh vực ngoại hối nhận định, có thể vừa rồi nhu cầu vàng nhẫn tăng cao nên khả năng ngoại tệ bị tuồn ra khỏi biên giới nhập lậu vàng. Còn trên tổng thể cung – cầu ngoại tệ không có dấu hiệu lệch pha. Theo lãnh đạo vụ chức năng, NHNN vẫn duy trì mua vào ngoại tệ của các NHTM. Trên thị trường liên ngân hàng tỷ giá USD/VND nằm dưới mức mua vào của Sở Giao dịch NHNN…
Dẫu vậy, trên một số diễn đàn, một số nhà nghiên cứu, chuyên gia cho rằng, do lạm phát của Việt Nam mấy năm gần đây ở mức cao, trong khi đó tỷ giá giữa VND và USD (VND/USD) ít biến động, nên đã làm cho nội tệ lên giá mạnh, không khuyến khích xuất khẩu. Bởi vậy dù ít nhiều vẫn cần phải phá giá VND. Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối NHNN Nguyễn Quang Huy cho rằng, những lo lắng trên là chính đáng, nhưng vì điều hành tỷ giá phức tạp, đòi hỏi cơ quan quản lý cân nhắc yếu tố liên quan trước khi có những điều chỉnh chính sách.
Theo ông Huy, tỷ giá và lạm phát có mối quan hệ tác động qua lại nên tỷ giá ổn định mới góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, duy trì tỷ giá ổn định tạo điều kiện NHNN chủ động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm dần mặt bằng lãi suất, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế. Đó là chưa kể Việt Nam là nước đang phát triển nên nhu cầu vay nợ nước ngoài tương đối lớn.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, không thể chủ quan khi áp lực tỷ giá vẫn còn từ nhiều phía khác nhau. Vì vậy, NHNN ngoài kiên trì mục tiêu chủ động ổn định tỷ giá VND/USD trong giới hạn biên độ, nhưng nếu có biến động thì sự điều chỉnh, nếu có, không nên vượt quá 2-2,5%/năm.
Theo đó, các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, trực tiếp là: lãi suất, dự trữ bắt buộc, thị trường mở, chính sách và biện pháp quản lý thị trường ngoại tệ cũng theo hướng mục tiêu này./.