Cuộc cách mạng 4.0 và những tác động tới Việt Nam
VOV.VN - Cuộc cách mạng 4.0 mở ra cơ hội cho quốc gia nào biết tận dụng, phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm và ngược lại sẽ dẫn đến tụt hậu...
Cuộc cách mạng 4.0 mở ra cơ hội cho quốc gia nào biết tận dụng, phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm và ngược lại sẽ dẫn đến tụt hậu bởi nó tác động mạnh mẽ tới cả kinh tế, xã hội và môi trường trên cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia, doanh nghiệp và mỗi cá nhân.
Lắp ráp điện tử là ngành dễ bị thay thế bởi rô-bốt |
Theo nhận định của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cuộc cách mạng 4.0 ảnh hưởng nhiều nhất đến những ngành nghề gắn với lao động chân tay, lao động mang tính thao tác lặp đi lặp lại và sản xuất đồng loạt.
Ngoài ra, những ngành nghề gắn với quá trình tự động hóa, điều khiển được hành vi như: dệt may gia công, lắp ráp điện tử, cơ khí chế tạo... cũng dễ bị thay thế bởi rô-bốt. Với nghề lái xe, mà trước tiên là lái xe tắc xi có thể bị “ra khỏi cuộc chơi” trong khoảng 20 năm nữa. Nói chung, với cách mạng 4.0, mọi ngành nghề đều có khả năng bị thay thế. Tuy nhiên, những việc liên quan đến cảm xúc, trực giác của con người sẽ khó bị thay thế hơn, như: nghệ sĩ, bác sĩ...
Có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam là nước đi sau nên có lợi thế hơn với công nghiệp 4.0. Chẳng hạn, chúng ta không tốn quá nhiều chi phí chuyển đổi cho cuộc cách mạng như công nghiệp lần 2, lần 3. Tuy vậy, còn đó những thách thức không nhỏ. PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, hiện nay, khi chưa có quá nhiều gánh nặng của cuộc cách mạng 4.0, chúng ta phải biết tận dụng cơ hội này để tận dụng những thành quả của những cuộc cách mạng trước đó. Với cuộc cách mạng 3.0, vẫn còn rất nhiều thứ ta chưa làm được, chưa đạt tới. Mà muốn làm được điều đó, đòi hỏi phải có một tầm nhìn, một tư duy phát triển vượt trội.
“Trách nhiệm đầu tiên cho một công cuộc chuyển đổi thế này gắn với tầm nhìn của lãnh đạo, tầm nhìn quản trị quốc gia, chứ đừng quy cho nền tảng cũ. Ta có định làm thật hay không, có tầm nhìn tốt hay không, cái đó mới là điều quyết định”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Hiện nay, trong số những điều kiện cần và đủ cho công nghiệp 4.0, Việt Nam mới chỉ có... sự quyết tâm. Trong khi đó, trí tuệ con người, năng lực sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng. Muốn có được hai yếu tố này, chúng ta phải cấu trúc lại hệ thống giáo dục đào tạo chứ vẫn theo lô-gíc cải cách của 10 - 15 năm nay, vẫn là bằng cấp, vẫn là nền tảng nhiệm kỳ thì không thể có được.
Cũng theo ông Thiên, cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến cả tiêu dùng, sản xuất và giá cả. Thế giới bước vào thời đại tăng trưởng chủ yếu dựa vào động lực không có giới hạn là công nghệ và đổi mới sáng tạo. Từ góc độ tiêu dùng và giá cả, mọi người được hưởng lợi nhờ tiếp cận với nhiều sản phẩm và dịch vụ mới chất lượng cao, chi phí thấp hơn. Do đó, để bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo nguồn nhân lực số, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Chúng ta phải chuẩn bị cho thế hệ sau một hệ thống tri thức, năng lực. Trước mắt vẫn phải lo việc làm cho những người không có tay nghề, nhưng đồng thời cần ráo riết chuẩn bị chương trình chuyển lực lượng lao động đó sang ngành nghề khác khi ngành nghề đó bị thay thế bởi cuộc cách mạng 4.0.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, còn nhiều lĩnh vực, ngành nghề có tiềm năng giúp chúng ta mở ra hướng giải quyết các vấn đề nêu trên. Chẳng hạn như du lịch. “Đây là lĩnh vực mà khả năng thay thế bằng công nghệ không cao lắm. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng du lịch rất lớn mà chúng ta vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Thứ hai là cần phát triển mạnh công nghệ thông tin - một ngành mà đất nước nào muốn vượt lên dù với công nghệ gì thì cũng phải trong khuôn khổ và trên nền công nghệ thông tin” - ông Thiên phân tích./.