Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái còn lắm gian nan

VOV.VN - Mặc dù lực lượng chức năng đã rất nỗ lực trong việc đấu tranh, nhưng cuộc chiến xem ra vẫn chưa có hồi kết.

>> 3 nhóm giải pháp phòng chống hàng giả, hàng nhái 

>> Chống hàng giả, hàng nhái phải dựa vào dân 

Thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tồn tại từ nhiều năm nay. Trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập các Hiệp định thương mại tự do, mở cửa với các nước trên thế giới thì buôn lậu, gian lận thương mại là thực trạng nhức nhối và là vấn đề cấp bách cần phải được hạn chế ngăn chặn kịp thời. Điều này không chỉ làm tổn hại đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc trong xã hội.

Theo Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, hiện, cả nước có hơn 30 ngành hàng bị làm giả, từ hàng tiêu dùng thông thường đến hàng cao cấp, như: mỹ phẩm, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường sữa, thuốc thú y, đồ điện tử, điện thoại, xe máy các loại… Một trong những ngành hàng bị làm giả nhiều nhất hiện nay là lĩnh vực tôn, thép.

Ảnh minh họa - Dân trí

Ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết, năm 2014, tập đoàn bị thiệt hại 118 tỷ đồng. Gian lận thương mại trong lĩnh vực này thể hiện qua các hình thức như: Tôn kém chất lượng, in thông số mập mờ về tiêu chuẩn chất lượng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng; các doanh nghiệp không xuất hóa đơn khi bán hàng nhằm trốn thuế...

Theo ông Thanh, hàng nhái, hàng giả kém chất lượng làm giảm uy tín của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, làm mất lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tôn thép chính hiệu.

Bức xúc trước thực trạng này, ông Thanh kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra thường xuyên và có chế tài đủ mạnh mang tính răn đe đối với các trường hợp gian lận đồng thời có chính sách buộc các doanh nghiệp, cửa hàng niêm yết công khai: tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả.

Bên cạnh đó, xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại… Thực trạng này khiến ngân sách nhà nước bị thất thu, doanh nghiệp thiệt hại, quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm và ảnh hưởng nghiêm trọng.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Một trong những nguyên nhân đó xuất phát từ sự buông lỏng của cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả; thiếu kiên quyết chống lại hàng giả, sản xuất hàng giả, thậm chí còn có tình trạng tiếp tay cho các đối tượng sản xuất và tiêu thụ hàng giả nhằm kiếm lợi nhuận.

Trung bình mỗi năm lực lượng chức năng xử lý hơn 100.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Thế nhưng, kết quả này vẫn chưa phản ánh hết thực trạng hàng giả hàng nhái hiện nay. Lý do khiến vấn nạn này còn tồn tại, một phần do mức phạt của lực lượng quản lý thị trường còn quá thấp, không đủ sức răn đe. Trong khi đó, nhiều đối tượng khi bị xử phạt còn chây ì, không nộp phạt.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải Quan nhấn mạnh, lực lượng quản lý thị trường hoặc các lực lượng khác phát hiện hàng giả nhưng không kiến nghị, không đề nghị sang cơ quan công an để xem xét trách nhiệm hình sự thì sẽ phải xử lý đối với các cơ quan đó.

“Tới đây, văn phòng thường trực ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ giám sát, tham mưu cho ban chỉ đạo để chỉ đạo quyết liệt. Một giải pháp nữa cần phải nêu để cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có các thương hiệu đã được xây dựng, kinh doanh có hiệu quả thì phải quan tâm, phối hợp, phản ảnh kịp thời những thông tin liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cho các lực lượng,” ông nói.

Mặc dù thừa nhận chế tài xử lý vi phạm tội phạm gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường còn hạn chế, nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, doanh nghiệp phải hiểu rõ nhất về hàng hóa do mình sản xuất, phân phối trên thị trường. 

Do đó, nếu doanh nghiệp nào chủ động, tích cực trong việc xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu của mình và phối hợp với các cơ quan thực thi thì nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ giảm đi đáng kể. 

Ngoài sự phối hợp của Nhà nước, doanh nghiệp thì đấu tranh chống hàng giả còn phụ thuộc rất lớn vào lực lượng thực thi pháp luật và ý thức của cộng đồng, người tiêu dùng.

Trong bối cảnh nước ta tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và quốc tế, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đòi hỏi cấp thiết, cần phải ngăn chặn kịp thời. Trong cuộc chiến này, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, nhất là trong việc tăng cường hợp tác với lực lượng thực thi mới đảm bảo được sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên