Cước taxi rục rịch tăng theo giá xăng dầu
(VOV) - Giá taxi có thể nhích thêm từ 3 - 5%, tương đương giá tăng khoảng 600 đồng tới 1.000 đồng/km.
Với lý do Quỹ Bình ổn giá của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã hết, tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra rất phức tạp, Liên Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng tối đa mặt hàng xăng thêm 1.430 đồng/lít, kể từ 20h ngày 28/3.
Ngay sau sự kiện xăng dầu tăng giá, các công ty taxi đã lập tức lên kế hoạch điều chỉnh giá cước theo giá xăng. Theo nhận định, giá taxi có thể nhích thêm từ 3 - 5%, tương đương giá tăng khoảng 600 đồng tới 1.000 đồng/km.
Trao đổi trên Dân trí, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội vận tải cho rằng, xăng tăng 6% sẽ làm cho chi phí vận tải đội lên.
"Theo tính toán của tôi, nếu giá tăng 6% thì chi phí đầu vào sẽ tăng 3 tới 4%. Ngoài ra, việc tăng giá còn phải điều chỉnh lại bảng giá cước nữa. Các dịch vụ ăn theo ngành vận tải như phụ tùng vận tải sẽ tăng và còn nhiều ngành nghề khác sẽ tăng nên tôi khuyến cáo anh em cố gắng tăng không quá mức 5% thôi là hợp lý” - ông Hùng nói.
Còn ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội thì cho rằng, giá cước taxi sẽ được điều chỉnh ngay trong tuần tới này với tăng từ 600 đồng tới 1.000 đồng/km. Việc tăng giá xăng này dự kiến mỗi xe taxi sẽ bị thiệt hại vào khoảng 500.000 – 1 triệu đồng do phải mất từ một buổi cài lại bảng cước.
Tuy nhiên theo ông Bình, việc tăng giá là không thể tránh khỏi bởi giá xăng tăng sẽ khiến mỗi lái xe mất thêm từ 900.000 - 1,5 triệu đồng tiền xăng/tháng. Đây là khoản tiền lớn so với thu nhập của tài xế.
Ông Bình cho biết, tính đến chiều 29/3, các doanh nghiệp thành viên trong hiệp hội đã có đề xuất về việc tăng giá cước sau khi giá xăng tăng lên mức kỷ lục.
Đối với vận tải hàng hóa và hành khách, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, các phương tiện này dùng dầu diesel là chính, nhưng dầu diesel tăng không nhiều chỉ mức 300 đồng nên chưa tác động lớn tới chi phí ngành vận tải. Mặt khác, theo giải thích của ông Hùng vận tải hành khách và hàng hóa hiện nay đang ế, cung đang vượt cầu hàng hóa ít.
“Ngành vận tải hàng hóa và hành khách cũng đang lấn cấn lắm nhưng tôi chắc là muốn tăng nhưng không dám tăng.Theo tôi giá dầu có tăng nhưng chưa đến ngưỡng để vận tải hành khách và hàng hóa điều chỉnh. Vì dầu tăng chút ít nhưng muốn tăng giá thì phải tiến hành thủ tục đổi giá vé. Việc này có khi còn tốn kém hơn” - ông Hùng nhận định.
Trái ngược với quan điểm tăng giá cước taxi do tăng giá xăng dầu, chiều 29/3, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vinasun cho biết trên SGTT rằng, sẽ không tăng giá cước taxi dù giá xăng tăng đến 1.430 đồng/lít nhằm hưởng ứng chương trình bình ổn giá của TP HCM.
Thay vào đó, nhằm bớt gánh nặng chi phí nhiên liệu cho lái xe taxi (do lái xe phải chịu tiền xăng), Vinasun sẽ hỗ trợ khoản phí chênh lệch xăng tăng giá.
Các hãng taxi khác như Mai Linh, Hoàng Long, Vina…, hiện vẫn chưa tăng giá cước nhưng cho biết nếu giá xăng ở mức như hiện nay kéo dài thì các đơn vị này sẽ xem xét tính toán lại chi phí.
Trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPH CM cho biết: "Để giảm rủi ro, khi ký kết hợp đồng vận tải dài hạn, các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng thường chọn điều kiện "mở" bằng quy định: Xăng dầu tăng, giảm bao nhiêu phần trăm thì giá cước vận tải cũng sẽ tăng, giảm một mức tương ứng mà 2 bên đã thỏa thuận. Chính vì thế, cũng không gây xáo trộn nhiều. Nếu đơn vị nào tăng giá cước vận tải sẽ khó lôi kéo khách hàng"./.